TIN SỰ KIỆN

Nhật ký trải nghiệm Lệ Giang - Shangri La - Đại Lý - Côn Minh

 

Tôi cũng vậy, luôn nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng, mong muốn được khám phá những vùng đất mới. Chẳng riêng gì tôi mà có lẽ ai đến với những mảnh đất này cũng đều "fall in love" ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi mọi thứ quá ư hoàn hảo. Và tôi đang nói đến hành trình của mình: khám phá Lệ Giang - Shangri La - Đại Lý - Côn Minh.

Để bắt đầu hành trình, tôi đã chuẩn bị cho mình hộ chiếu và visa. Vì dạo gần đây Visa Trung Quốc làm khó hơn trước rất nhiều, phí dịch vụ ngày tôi làm tầm khoảng 180$ cho sổ đã đi và 220$ cho sổ chưa đi Trung Quốc. Nếu không có nhiều thời gian và ngại phải xếp hàng tại Đại sứ quán thì tôi khuyên bạn nên chọn làm dịch vụ tuy nhiên phí sẽ cao hơn. Tôi book vé tàu trên web Ctrip.com và nhận ra một điều rằng vé bán rất nhanh. Để book được vé tôi đã phải ngồi canh như canh đăng ký tín chỉ ở Đại Học Ngoại thương vậy.

Sau khi book vé tàu xong, tôi lên booking.com đặt phòng. Với hành trình 10 ngày trên mảnh đất rộng lớn này, tôi đã chọn cho mình những chỗ nghỉ vừa phải, không cần quá đẹp bởi sau một ngày dài khám phá có lẽ tôi chỉ cần một chỗ để ngủ chứ không còn sức đâu mà chụp ảnh trong những homestay xinh xắn. Ở Lệ Giang tôi chọn Lijiang San Mao's Home Inn bởi chỗ này khá gần Quảng trường Ngọc Hà và trung tâm phố cổ, phòng sạch sẽ nhưng hơi khó tìm đường, đổi lại anh chủ đã ra đón tôi rất hồ hởi. Anh nhiệt tình, tiếng anh giao tiếp qua Wechat ổn nhưng nói thì không biết gì. Ở Shangri La tôi chọn Dragoncloud Guesthouse và thấy rằng phải chăng nơi này chuyên phục vụ Tây nên khá chuyên nghiệp, chủ yếu biết tiếng Anh, ở giữ trung tâm phố cổ nên đi đâu cũng tiện. Đại Lý có Xiangyu Youth Hostel. Chị chủ hostel này nói tiếng Anh mê lắm, nhiệt tình nữa. Cuối cùng là Côn Minh, tôi chọn One Inch of time. Vì ở đây là dorm nên cũng không có gì để comment nhiều. Về cơ bản nó ổn.

Ngoài ra, tôi còn chuẩn bị sẵn 4 app trong điện thoại. VPN để vào facebook và instagram, update story trên từng giây phút tại nước bạn. Google Translate dùng để translate ảnh có chữ tiếng Trung, không cần 4G cũng tra được. Cái này dùng tại các quán ăn ấy bởi menu full tiếng Trung luôn và tất nhiên không có tiếng Anh. Wechat dùng để communicate và kết bạn với các bạn Trung Quốc. Khá hay nữa là ở Trung Quốc mọi thứ đều thanh toán bằng Wepay, chỉ tiếc rằng không có thẻ ngân hàng Trung Quốc chứ không có lẽ tôi không cần mang theo tiền mặt. Cuối cùng là 有道翻译官 - phần mềm translate voice Chinese - English. App này giống như từ điển dành cho các bạn Trung Quốc học tiếng Anh vậy, thần thánh lắm! Chỉ cần cài app này là tôi đã thoải mái tung hoành Trung Quốc rồi.

Còn một điều khá quan trọng là mua sim 4G bởi nó quyết định sự thành bại của cả chuyến đi. Ở Hà Nội, tôi mua của bạn Vân Anh Sine (https://www.facebook.com/vananh.vu.9237). Sim dùng được tầm 8 ngày nên tôi đã sắm 2 cái cho chuyến đi dài 10 ngày của mình.Ở Lệ Giang và Shangri La một số nơi vẫn còn lạnh nên tôi đã chuẩn bị thêm cho mình một vài chiếc áo ấm. Để có được những tấm hình thật xuất sắc, tôi còn chuẩn bị quần áo màu vintage để thật phù hợp với cảnh nơi đây. Sau khi đã chuẩn bị xong tất cả từ hộ chiếu, visa, chứng minh công việc, giấy nghỉ phép của công ty, chứng minh tài chính >2000$, vé máy bay khứ hồi, booking khách sạn, lịch trình chi tiết, CMTND, ảnh thẻ...cho đến chỗ ăn nghỉ, tôi bắt đầu xách ba lô lên và đi!

Trước tiên cần lên Lào Cai, tôi đi xe khách Hà Sơn - Hải Vân (Hotline: 19006776) chuyến 23h15 để lên đến nơi là 4h sáng. Giá vé là 230.000 đồng/người. Sau khi ăn sáng và nghỉ ngơi ở một  khách sạn gần cửa khẩu, 6h30 tôi có mặt ở cửa thông quan để xếp hàng. Sở dĩ tại sao phải đến sớm như vậy vì tôi cần làm thủ tục xuất nhập cảnh để kịp chuyến tàu đi Côn Minh lúc 9h40, đến nơi lúc 15h45. 22h05 mới có chuyến tàu từ Côn Minh đi Lệ Giang nên tôi đã gửi vali ngay cửa ga tàu Côn Minh hết 10 tệ và tự thưởng cho mình một chút thời gian khám phá vài địa điểm ở Côn Minh. Bắt taxi đến Guandu Ancient Town (官渡古镇) bởi tôi biết nơi đây vừa nổi tiếng là điểm tham quan mang tính lịch sử vừa là một địa điểm mua sắm khá ổn. Ở đây bạn sẽ thấy mọi thứ thật "nhã" và thanh bình. Sau khi ăn uống xong, 20h tôi bắt taxi về ga tàu để lên đường đi Lệ Giang. Tiền đi lại taxi hết 50 tệ.

Đến Lệ Giang lúc 7h05, tôi đi taxi về khách sạn hết 30 tệ. Bạn nên chọn xe màu xanh nhìn giống xe dù, không có biển hiệu taxi (họ sẽ ra mời ở cửa ga tàu) bởi nếu đi taxi khác bạn sẽ hết tầm 40-50 tệ như a chủ homestay chia sẻ với tôi. Về phòng tắm rửa thay đồ, tôi đã sẵn sàng khám phá Lệ Giang. Có câu: "Nếu bạn thích Hội An thì sẽ mê Phượng Hoàng Cổ Trấn nhưng sẽ phát cuồng vì Lệ Giang". Nếu có cơ hội được đến Lệ Giang một lần trong đời, bạn sẽ thấy câu nói đó hoàn toàn đúng.

Đầu tiên là Đại Nghiên cổ trấn (大研古镇) khu trung tâm. Thành cổ Lệ Giang bắt đầu được xây dựng vào cuối thời nhà Tống đầu thời nhà Nguyên (cuối thế kỷ thứ 3). Các phố xá trong thành cổ Lệ Giang đều giáp núi gần sông, dải đá màu đỏ, mùa mưa không ̣ lầy lội, mùa khô không bụi bặm, những hoa văn trên mặt đá nền đường trông tự nhiên và thanh nhã, rất hài hòa với môi trường của cả thành cổ này. Phố Tứ phương ở trung tâm thành cổ là phố cổ tiêu biểu của thành cổ Lệ Giang.

Sau khi tham quan Thành Cố Lệ Giang, tôi đến Quảng trường Ngọc Hà (玉河广场 - Yuhe Square). Đây là một trong những cửa chính để vào khu cổ thành Lệ Giang, quảng trường rộng với điểm nhấn là cặp bánh xe nước cổ cùng với giàn chuông bằng gỗ để các bạn có thể treo những chiếc chuông với nhưng thông điệp của riêng mình lên đó. Ngọc Hà cũng chính là tên con sông trong thành cổ, chảy thẳng tới hồ nước trong công viên Hắc Long Đàm. Tiếp đến Bánh xe nước lớn (大水车) và Đường Tứ Phương (四方街). Đường Tứ Phương được xây dựng từ đời nhà Thanh, do Thổ ty trong vùng đặt tên (lấy ý từ cụm từ Quyền Trấn Tứ Phương). Đây là trung tâm của thành cổ Lệ Giang, theo một vài cách lý giải khác thì thành cổ Lệ Giang hiện nay được phát triển theo 4 hướng lấy đường này làm trung tâm.

Cuối cùng là Mộc Phủ (木府). Mộc Phủ nằm trong khu phố cổ, đây cũng là dinh thự của các thủ lĩnh thế tập họ Mộc (người Lệ Giang gọi là Thổ Ty) từ thời Nguyên kéo dài đến thời nhà Thanh (1253-1728). Buổi chiều bạn có thể lên Vạn Cổ Lầu ngắm toàn cảnh Lệ Giang hoặc ngồi uống cà phê ở quán cao nhất mà không cần vào Vạn Cổ Lầu làm gì cho tốn 60 tệ mà vẫn được chiêm ngưỡng một Lệ Giang đẹp ngất ngây. Người Lệ Giang có tục lệ treo chuông gió cầu điều ước. Đó là những chiếc chuông đồng nhỏ xíu đính kèm một miếng gỗ. Người ta có thể mua nó trong bất kỳ quầy hàng lưu niệm nào ở phố cổ hoặc tại các điểm du lịch rồi viết điều ước lên miếng gỗ và treo lên, không phải treo ở cửa sổ trong nhà bạn mà treo lại Lệ Giang.

 

Được biết núi tuyết Ngọc Long là một khối núi gần Lệ Giang, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc. Đỉnh cao nhất của nó được đặt tên Phiến Tử Đẩu (扇子陡, Shanzidou) cao 5.596 m. Bên kia núi là vực Hổ Khiêu nổi tiếng thách thức các nhà leo núi. Toàn bộ hệ thống núi này có tất cả 13 đỉnh núi cao trên 5000m quanh năm tuyết phủ. 13 ngọn núi này trông giống một con rồng ngọc trên núi nên gọi là “Ngọc Long”. Đây là ngọn núi thứ 71 trong những ngọn núi cao nhất thế giới.

 

Nghe thôi đã muốn khám phá nên tôi book luôn tại homestay một tour hết 450 tệ/người. Tour đi 1 ngày đã bao gồm bữa trưa và mọi chi phí. Có đi mới thấy nơi đây quá hùng vĩ và đẹp mê mẩn, chụp ảnh sống ảo thì xuất sắc khỏi bàn. Sau khi lên đỉnh núi Ngọc Long thì tour sẽ đưa bạn đến Thung lũng Lam Nguyệt (蓝月谷) nằm trong khu thắng cảnh của Ngọc Long Tuyết Sơn ngay dưới chân núi Ngọc Long. Thung lũng có tên là Lam Nguyệt bởi vì ngày nắng nước màu xanh (do trong nước có đồng, không uống được. Trời mưa to thì nước hồ sẽ mất màu xanh, chuyển thành màu trắng do dưới đáy hồ có nhiều cát trắng) và khi nhìn từ trên cao xuống thì toàn bộ thung lũng có hình giống trăng khuyết. Do địa hình từ cao xuống thấp nên dòng chảy được chia làm 4 hồ Ngọc Dịch (玉液”湖), Kính Đàm (镜潭”湖), Lam Nguyệt (蓝月”湖) và Thính Đào (听涛”湖). Trong lần đi tour ấy, tôi có quen các anh chị người Trung Quốc, khá thân thiện và cực đáng yêu. Buổi tối họ rủ đi ăn và đi bar luôn, mặc dù không biết tiếng Anh nhưng tôi vẫn communicate khá ổn nhờ wechat và app từ điển đã nói ở bên trên.

Hồ Lugu hay còn được gọi với biệt danh “Nữ Nhi Quốc”, là nơi sinh sống của tộc người Mosuo. Hồ Lugu nằm ở giao điểm của hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, phía đông của hồ thuộc huyện Diêm Nguyên nằm ở phía đông nam cao nguyên Thanh Tạng – Tứ Xuyên, phía Tây của hồ thuộc về huyện Ninh Lang của tỉnh Vân Nam. Gía vé vào khu vực hồ là 100 tệ/người. Vẫn là nhờ homestay book hộ xe đi Lugu 150 tệ/người/khứ hồi, tôi đi một vòng hồ mất khoảng 4 tiếng vừa đi vừa dừng lại ngắm cảnh.

Thúc Hà Cổ Trấn (束河古镇) cách trung tâm Lệ Giang khoảng 5km, đây là một trong những nơi sinh sống lâu đời nhất của người Nạp Tây và được hình thành do nhu cầu buôn bán trao đổi trên tuyến đường trà mã cổ đạo. Tôi di chuyển đến đây bằng xe số 11 (bến bus thì ngay gần trung tâm phố cổ) hết 1 tệ/lượt. Không gian ở đây có những con đường ngõ quanh co lát đá cổ, đưa tôi đi lòng vòng để có thể nhìn ngắm những ngôi nhà gỗ cổ có những khu vườn rất đẹp và tĩnh lặng, hay đi shopping đổ thủ công mỹ nghệ trong những con phố không quá ồn ào, không quá đông đúc. Bạn sẽ thấy Thúc Hà là một nơi thật sự dành cho bạn. Dọc các con phố yên tĩnh, các ngôi nhà với những cổng gỗ rất cổ, vườn cây rộng và đẹp. 3h chiếu, tôi về homestay lấy đồ và ra bến xe bus đi Shangri La (nói là bến xe bus nhưng giống bến xe khách của Việt Nam mình), vẫn bắt tuyến bus 11 để đi ra bến xe. ( Search Lijiang Passenger Transport Terminal). 5h10 tôi lên xe khách đi Shangri La, đến 9h30 thì đến Shangri La.

Shangri La trước đây chỉ là một thị trấn nhỏ thuộc huyện tự trị dân tộc Tạng - Địch Khách. Từ khi quyển sách Đường Chân Trời Đã Mất (The Last Horizon) được xuất bản thì người ta mới biết tới khái niệm Shangri La tức thế giới bồng lai hạnh phúc. Buổi sáng tôi đi Hồ nước và thảo nguyên ở Shangrila, đầu giờ chiều thì đi Tu viện Songzanlin (松赞林寺). Đây là ngôi đền lớn của phật giáo dòng mật tông Tây Tạng nằm trên một ngọn đồi cao, thuộc dòng tu của các Lạt Ma. Tu viện Songzanlin được xây dựng năm 1679 thời nhà Thanh (Khang Hy) theo nguyên mẫu thu nhỏ của cung điện Potala – Lhasa Tây Tạng, ngự ở độ cao 3200m. Tu viện Songzanlin nổi bật với những mái nhọn dát vàng rực rỡ. Đây là tu viện Phật Giáo Tây Tạng lớn nhất ở Vân Nam, nơi tập trung những nét văn hóa tiêu biểu của người Tạng. Bạn nên thuê xe điện ở đây di chuyển cho rẻ. Giá thuê xe có 50 tệ/ngày, đi được khoảng 40km. Nếu không tự đi bằng xe máy điện thì có thể đi bus hoặc taxi.

 

Phố cổ Shangrila (独克宗古城) có tên gọi là Cổ Thành Ánh Trăng. Đây là một trấn có tuổi đời và lịch sử hơn 1300 năm, là một trong những nơi tập trung sinh sống của người Tạng từ lâu đời được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc. Thị trấn này cũng là mắt xích quan trọng trên tuyến đường Trà Mã cổ đạo. Châu tự trị Địch Khánh nằm ở vùng tiếp giáp giữa 3 tỉnh là Vân Nam, Tứ Xuyên và Khu tự trị Tây Tạng nên có nền văn hóa khá đa dạng với người Tạng chiếm 80%. Quảng trường trung tâm của cổ trấn là quảng trường Ánh Trăng, phía Bắc của quảng trường là công viên Quy Sơn (龟山公园 – Guishan Park), trong công viên có Đại Phật Tự được xây vào thời Khang Hy, nơi đây cũng có chuyển pháp luân lớn nhất thế giới. Ngay Quảng Trường còn có chùa Quy Sơn cũng là lối kiến trúc Tạng, nhưng đặc biệt là có Chuyển Kinh Luân cực lớn (pháp cụ tu hành của người Tạng), xoay một vòng Chuyển Kinh Luân là tụng xong một câu kinh, mang lại phước báu và sự an yên cho mình. Đầu giờ chiều tôi ra bến xe khách đi Đại Lý để tối đến có thể vào thành cổ thăm thú.

Tới Thành cổ Đại Lý, bạn sẽ được chiêm ngưỡng ngọn tháp cổ nhất Tam Tháp với độ cao 69,13 mét được xây dựng từ năm 836 là một trong các nơi quay cảnh trong phim Thiên Long Bát Bộ của tác giả Kim Dung. Sau khi tham quan thành cổ, tôi ghé Chùa Sùng Thành - là Hoàng gia quốc tự được xây dựng vào năm thứ nhất đời Đường. Dưới ngòi bút của Kim Dung đây là nơi Đoàn Dự học được “Lục Mạch Thần Kiếm”. Cuối cùng là Trường quay Thiên Long Bát Bộ, vé vào cửa 60 tệ. Đây cũng là công trình được xây dựng mô phỏng theo kiến trúc từ thời nhà Tống được sử dụng làm phim trường để quay phim gồm có hoàng cung, vương phủ, phố xá, tửu lầu, nhà cửa. Tối 22h, tôi lên tàu về Côn Minh.

 

Di chuyển ở Côn Minh chủ yếu tôi đi bằng xe bus. Chỉ cần Google map là có hết mọi thứ. Bạn chỉ cần type điểm đến bằng tiếng anh thôi. Mỗi lần đi bus hết 1 tệ nên siêu rẻ, bạn có thể đi khắp thành phố với mấy điểm điểm du lịch như Khu du lịch Tây Sơn Long Môn. Nơi này cách thành phố Côn Minh khoảng 15km về phía Tây. Du khách đến đây không chỉ được ngắm cảnh đẹp mà còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật đục đá. Ở đây du khách còn được tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng tôn giáo của Côn Minh. Ở đây vẫn được lưu giữ và bảo tồn công trình Long Môn do nhà tu hành – Đạo sỹ Ngô Lai Thanh đục từ năm Càn Long thứ 46 (1781). Tối có thể ra các trung tâm thương mại mua sắm đồ làm quà.

10h30 có tàu từ Côn Minh về Hà Khẩu nên tôi tranh thủ buổi sáng loanh quanh một chút. 5h chiều tài đã về đến Hà Khẩu, gần cửa khẩu Lào Cai. Cuối cùng là đi xe về Hà Nội. Tổng chi phí cho hành trình khám phá Lệ Giang - Shangri La - Đại Lý - Côn Minh của tôi hết 11 triệu (bao gồm tiền ăn uống, book phòng khách sạn, đặt vé tàu, tiền vé tham quan). Đây là chuyến đi mà tôi nghĩ nó thật sự xứng đáng với khoảng thời gian và tiền bạc bỏ ra. Giờ mới thấy câu “đi một ngày đáng học một sàng khôn” nó đúng trong trường hợp này, vì đi về học được rất nhiều điều hay ho.

 

Nói một chút về người dân trung quốc, thì họ thực sự tốt và đáng yêu. Hành trình này đi đến đâu cũng gặp nhiều bạn mới, nhiều người tốt, lắng nghe những câu chuyện thú vị về cuộc sống của mọi người. Chắc chắn tôi sẽ quay trở lại Trung Quốc và khám phá thêm nhiều địa điểm khác nữa. Hy vọng những kinh nghiệm được tích lũy từ mồ hôi và nước mắt từ chuyến đi tự túc này sẽ giúp ích cho các bạn.