TIN SỰ KIỆN

 Trường tốt - thầy giỏi có phải là điều tốt nhất cho những đứa con “đáng thương” của chúng ta?

Nhiều lúc người ta vẫn thật ngỡ ngàng trước “độ lớn” của bọn trẻ bây giờ. “Ôi sao bé tẹo thế này mà đã biết nhiều thứ thế” trong khi ấy những “người lớn” bây giờ lại thấy “hổ thẹn” với lòng khi vào tầm tuổi ấy vẫn ngây thơ, chưa biết một thứ gì. Nhớ lại cái ngày xưa đã qua rất lâu rồi, bất kì đứa trẻ nào cũng có một tuổi thơ thật đẹp và nhẹ nhàng. Ngày đó, bọn trẻ chỉ học một buổi sáng học chiều, hết giờ học lại túm năm tụm ba đi chơi đủ thứ trò, nào là thả diều đuổi bắt, nào là bắn bi trốn tìm,… vui ơi là vui. Ngày ấy cha mẹ cũng chẳng bao giờ học là đi học được mấy miễn là con đi học ngoan là được. Tất cả mọi thứ từ việc học đến việc chơi đều đơn giản như chính những đứa trẻ vậy.

Nhìn từ ngày xưa cho đến bây giờ thương lại càng thương bọn trẻ ngày nay. Ở vào cái “thời mới” này, mọi thứ đều được định lượng một cách rõ ràng, rành mạch. Việc sống và học của những đứa trẻ cũng vậy. Làm sao để được điểm cao nhất, làm sao để học được nhiều nhất, làm sao để được giỏi nhất,… Quá nhiều cái “nhất” mà những ông bố bà mẹ thời nay bắt con mình phải bằng mọi giá có được. Vậy nên ngay từ bé tí, mới chấp chững đi, mới tập tọe nói, cha mẹ đã dạy cho con biết đếm “một, hai, ba, bốn…” học vần, học chữ ở nhà trước cả khi đi mẫu giáo. Như “hiệu ứng domino”, các bậc làm cha làm mẹ đua nhau “đánh thức tiềm năng tri thức” cho con mình bất chấp sự nhận thức non nớt của những đứa trẻ. Thấy con nhà người ta mới lên bốn lên năm đã nói rành rọt, biết nói tiếng anh nhoay nhoáy, biết đếm số vanh vách là y như rằng về nhà đè con mình ra cho cho học bằng được. Sư hơn thua của người lớn nhiều khi khiến lũ trẻ “ngợp thở” mà đáng lẽ ra chúng được quyền “vô lo, vô nghĩ” ở cái tuổi ăn, tuổi lớn. 

Trong khi đó, những nhà giáo dục và cha mẹ ở Đức tin rằng, việc kích hoạt trí não và khai mở trí lực của trẻ nhỏ quá sớm là một điều hoàn toàn sai lầm. Trẻ con ở đất nước Đức có cuộc sống khác lắm! Trong khi những đứa trẻ của chúng ta ngay từ khi biết nói rành rọt đã được học những bài học đơn giản về con số, chữ cái thì  trẻ em ở đây trước khi vào tiểu học chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là "vui chơi hết mình". Bởi vì cha mẹ ở Đức luôn luôn muốn con mình được vui chơi nhiều nhất có thể, phát triển đúng với độ lớn tự nhiên của trẻ. Họ không dạy con học ngay từ nhỏ và cũng từ chối cho con mình đi học thêm hoặc học trước tuổi. Những đứa trẻ vì thế cũng trưởng thành một cách trọn vẹn khi bồi đắp cho mình được đầy đủ những điều cần thiết cho cuộc sống của bản thân: cảm xúc, bản lĩnh và trí khôn. 

Không có bất kì một quy chuẩn chính xác nào để chắc chắn rằng có thể nuôi dạy thành công. Nhưng có những lựa chọn dành cho cha mẹ để nuôi dạy trẻ thành một em bé hạnh phúc. Điều tốt nhất dành cho những đứa trẻ là hãy để chúng lớn lên một cách tự nhiên.

Niềm tự hào của cha mẹ lớn nhất thường thấy có lẽ là con của mình có điểm cao nhất lớp, là con được cô giáo khen học giỏi, là dành giải trong kì thi chọn học sinh giỏi,… Khi con được điểm 9, điểm 10 thì bao lời tán dương, tự hào còn khi con được điểm kém thì đủ mọi câu hỏi tra xét con: “Tại sao điểm thấp thế?”, “Con đi học kiểu gì vậy?”,… Mỗi lần như thế, áp lực lại đè nặng lên tâm hồn non nớt của những đứa trẻ. Trong đầu chúng chỉ có học và những con điểm vô nghĩa. Dù muốn hay không cũng phải cố mà học để có được điểm cao không thì chỉ có đường “ăn đòn”. Chưa bao giờ cuộc sống của những đứa trẻ lại nặng nề đến như thế! 

Những cái ngáp thật dài trong cơn ngái ngủ mỗi buổi sớm đến trường, những chiếc cắp sách nặng trĩu trên đôi vai bé nhỏ bước vào lớp,… sao mà thấy mấy đứa trẻ bây giờ vất vả đến thế. Ngay từ nhỏ cha mẹ đã luôn tạo những áp lực vô hình cho những đứa con của mình. Việc học luôn là “gánh nặng” cho những đứa trẻ. Học mọi lúc, mọi nơi, học cho bằng bạn bằng bè, học để tiếp nhận kiến thức giờ đây lại trở thành áp lực nặng trĩu suốt những năm tháng tuổi thơ của những đứa trẻ "đáng thương".

Từ khi lên lớp 1 cho đến lớp 12, cha mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng trang bị cho con của mình một “lịch trình” học đủ thể loại. Đi học như đi “chạy show”. Sáng đến lớp học chính khoá, chiều học trung tâm, tối học gia sư. Quỹ thời gian trong ngày của một học sinh bình thường được phủ kín bằng việc học đủ nơi, đủ môn và đủ hình thức. Sự học vất vả đâu chỉ có vậy, đặc biệt vào những kì thi chuyển cấp hay kì thi tốt nghiệp, thi đại học thì việc học càng nâng lên một tầm cao mới, học bất chấp thời gia, học ngày học đêm, có khi là 23,5/24 giờ dành cho việc học. 

Đâu chỉ có vậy, ngoài lịch học văn hóa dày đặc còn có một lịch trình học khác cũng “chằng chịt” chẳng kém mang tên “học ngoại khóa”. Nào học đàn, học hát, nào học nhảy, học múa, nào học cầm vẽ tranh, nào học võ thuật tự vệ… Có thể học được mọi thứ như thế đứa trẻ nào cũng có thể trở thành một “thiên tài”. Tất tần tật mọi thứ đều được cha mẹ gửi gắm mong sao cho còn mình học được nhiều thứ nhất có thể, học được tốt nhất có thể. 

Cha mẹ bắt những đứa con của mình học nhiều thứ hoàn toàn có lí do, cũng chỉ để con có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Mong muốn là vậy nhưng những điều cha mẹ đang làm lại vô tình tạo ra những áp lực cho con. Thứ áp lực của việc học hành nó hiện hữu muôn nơi. Đó là câu cửa miệng mỗi khi đến trường đón con của cha mẹ dành cho cô giáo: “Hôm nay cháu có học được gì không cô?”. Đó là khi mới bước chân vào cửa nhà chưa kịp cất cắp sách, ông bà đã hỏi: “Nay đi học cô cho mấy điểm?”. Là mỗi khi đi thăm cô, thăm chú là y như rằng được hỏi: “Năm nay có được học sinh giỏi không?”. Tất cả như một thói quen của người lớn từ những câu nói tưởng như đơn giản lại vô tình khiến mỗi đứa trẻ lại phải suy nghĩ, lại phải cố gồng mình học và học để có thể tự hào khoe với người lớn rằng:  “Con được điểm 9 điểm 10 ạ”, “Cháu được học sinh giỏi ạ”.

Áp lực về điểm số, áp lực trở thành người giỏi nhất đôi khi lại khiến những đứa con đáng thương rơi vào bước đường cùng… Ngày càng nhiều những đứa trẻ rơi vào trầm cảm vì áp lực học tập, để rồi cuối cùng những đứa con “đáng thương” ấy lựa chọn tự tử để giải thoát bản thân khỏi những áp lực học hành đè nặng bấy lâu. Đó là những điều khiến cho những bậc làm cha làm mẹ phải tự vấn bản thân và ân hận suốt cuộc đời. Hàng năm có hàng nghìn thanh niên Việt Nam tự tử vì áp lực học hành. Một con số đáng báo động cũng phản ánh một thực trạng nuôi dạy trẻ sai lầm một cách trầm trọng.  

Cha mẹ luôn muốn đứa con của mình đáp ứng mọi mong mỏi, kì vọng của mình. Nhưng đã bao giờ đã thử đặt mình vào tâm trạng của con chưa? Đã bao giờ hỏi con thích cái gì chưa? Hay lúc nào chỉ có những câu hỏi về điểm số, thành tích học tập của con mà không cho con của mình thứ mà chúng thực sự muốn. “Con được điểm cao đó, con học đúng theo yêu cầu của cha mẹ đó nhưng nó khiến con vất vả và quá sức chịu đựng của con. Con muốn làm điều mình muốn”. Đó có thể là những suy nghĩ của những đứa trẻ thời nay mà chưa một lần dám nói ra. Chúng sợ! Sợ cha mẹ thất vọng, sơ cha mẹ la mắng… Tại sao vậy? Câu trả lời tận cùng nhất đó là cách nuôi dạy trẻ sao cho đúng, sao cho phù hợp.

Xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì càng nhiều giá trị sống phát triển. Nuôi dạy con cũng vậy. Cha mẹ vẫn cứ đi theo theo lối mòn cũ để nuôi dạy con là một sự tụt hậu. Đôi khi ta cứ giữ khư khư các nuôi dạy trẻ truyền thống và cho nó đúng ở mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Cho đến khi có những cách thức mới ra đời vì không hiểu biết hoặc quá cố chấp chúng ta lại lên án, “ném đá” không thương tiếc những đề xuất mới để việc nuôi dạy trẻ ngày một tốt hơn và khoa học hơn.  

Điển hình cho điều này là trong thời gian gần đây dư luận đang xôn xao phản đối cách dạy chữ cho trẻ bằng cuốn sách “Công nghệ giáo dục” của GS. Hồ Ngọc Đại. Một cuộc “hỗn chiến” trên mạng xảy ra khi đa phần phụ huynh và cộng đồng chỉ trích lên án cách dạy “vuông, tròn, tam giác” của cuốn sách “Công nghệ giáo dục”. Ở một khía cạnh khách quan, trong trường hợp này những bậc làm cha làm mẹ cần suy xét vấn đề một cách ngọn ngành, tìm hiểu sâu sa để hiểu bản chất thật sự của cách dạy trong cuốn “Công nghệ giáo dục”. Khi đã hiểu và sáng rõ thì chắc chắn rằng mỗi cha mẹ sẽ có được cho mình những bài học hiệu quả từ việc dạy con sao cho đúng và tốt cho con nhất. Không chỉ riêng sự việc cuốn sáng “Công nghệ giáo dục” trong mọi hoàn cảnh cụ thể những người làm cha mẹ cũng cần có được cho mình sự tỉnh tảo để thực sự trở thành những ông bố bà mẹ thông thái. 

Những đứa con luôn là “tài sản” quí giá nhất của cha mẹ. Đã làm cha mẹ ai cũng muốn những điều tốt nhất cho những đứa con của mình. Luôn dò xét một cách kĩ lưỡng những phương pháp dạy con hiệu quả và nhất thiết phải phù hợp với đứa con của mình. Hãy đặt mình vào vị trí của con, để thấu hiểu con hơn là cứ bắt con phải thế nọ, phải thế kia. Đừng tạo những áp lực vô hình cho con hãy làm bạn với con, cùng con học, cùng con chơi. Khi ấy cha mẹ sẽ thực sự hiểu thế nào là làm cha, làm mẹ thực sự.  

Thực hiện: Công Bắc