TIN SỰ KIỆN

Chuyện ăn thịt chó: Khi miếng ăn là miếng nhục?

 

Có lẽ chẳng loài vật nào lại đặc biệt như loài chó. Đặc biệt ở chỗ giữa chúng và con người như có một sợi dây tình cảm không thể chia cắt. Sự trung thành, tình cảm của loài chó chính là điều khiến chúng chiếm giữ một vị trí quan trọng đến như thế. Chúng ta đã nghe ở đâu đó những câu chuyện về những chú chó cứu chủ, những giọt nước mắt của loài chó dành cho chủ nhân,... Những câu chuyện đẹp ấy càng khiến loài chó xứng đáng nhận về cho mình những yêu thương chứ không phải là những đĩa thịt trên bàn nhậu...

Tìm về cội nguồn của thứ thịt lắm thị phi như thịt chó, nhắc tới tập sách “Món ngon Hà Nội”, khi đề cập tới món thịt chó, nhà văn Vũ Bằng đã viết: “Ngả con cầy ra đánh chén! “Sống ở trên đời, ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ biết có hay không?”. Thôi thì được ngày nào hãy cứ biết chiều ông thần khẩu ngày ấy đã, sau ra sao sẽ liệu. Ấy thế mà chưa biết chừng ăn một bữa cầy vào, cái vận mình nó lại chuyển hung thành cát, chuyển đen thành đỏ thì lại càng hay, chớ có sao đâu?Thật vậy, thịt cầy ở nước ta không phải là một món ăn như thịt dê, thịt lợn, nhưng nó lại còn là một niềm tin tưởng trong dân gian nữa. Vận đương xúi quẩy, ăn một bữa thịt chó vào, người ta rất có hy vọng giải đen. Đánh bạc thua liền ba đêm, này! Ăn một bữa thịt chó, có người gỡ lại hết cả tiền thua, mà lại còn được thêm là khác. Thử hỏi trong tất cả các món ăn trên thế giới có món ăn nào khả dĩ lại di chuyển được vận hạn của con người đến thế hay không? Nhưng dẫu sao, chuyện di chuyển vận hạn cũng là chuyện của tương lai huyền bí. Nói ngay chuyện thiết thực ở trước mắt mà chơi.” Thế mới thấy người Việt ăn thịt chó đâu chỉ cho vui miệng mà có cả “tính triết lý” đằng sau mỗi miếng thịt. 

Quan niệm dân gian về ăn miếng thịt chó và câu chuyện giải đến cứ tiếp biến và lan rộng qua truyền miệng. Cứ thế mà ăn thịt chó cũng như “đất lề quê thói” tại nhiều vùng nông thông, sau đó lan ra cả thành thị. Xuất phát điểm từ tâm thức dân gian, thịt chó cứ thế nghiễm nhiên được trưng dụng như một thức thịt “thần thánh” xua tan mọi đen đủi, vận hạn trong cuộc sống nhưng tuyệt nhiên chỉ được ăn vào cuối tháng, không ai ăn vào đầu tháng, ngày rằm, mùng một.

Chẳng ai có thể khẳng định thói ăn thịt chó của người Việt có từ khi nào. Chỉ biết, theo lời một nhà văn tiền chiến, vào khoảng thập niên 1930, Hà Nội chỉ mới có 4 hay 5 quán thịt chó. Trong khi đó ở miền Nam chưa có quán nào cả và cũng rất ít người biết ăn. Như vậy có thể đoán là thịt chó chỉ phổ biến và thịnh hành trong dân gian ở miền Bắc vào khoảng thập niên 1910-1920. Nhiều cư dân  tại Sài Gòn cũ cho biết: Những quán thịt chó chỉ xuất hiện lần đầu tiên tại Sài Gòn là vào những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, và cũng chỉ bó hẹp trong cộng đồng những người Bắc vào Nam lập nghiệp.

Phong trào ăn thịt chó rộ lên từ thời kinh tế mở cửa. Tư nhân được phép mở cửa hàng ăn uống để kinh doanh nên cái khẩu hiệu “Hết lòng phục vụ nhân dân” của các cửa hàng mậu dịch quốc doanh từ thời bao cấp bấy giờ mới được mặc sức phát huy. Từ nông thôn đến thành thị, cửa hàng thịt chó mọc lên như nấm. Có lẽ sau biển hiệu cơm phở nhan nhản khắp nơi trên đất Việt thì hai thương hiệu đứng sau sẽ là “LOLOTICAVINA” (Lòng lợn tiết canh Việt Nam) và “Cờ Tây bảy món” sẽ chiếm vai á hậu.

Thế mới thấy, chuyện ăn thịt chó cũng có lịch sử thăng trầm như những câu chuyện to tát khác. Thời xưa một chuyện, thời nay lại là chuyện khác. Hiện tại, thịt chó đang được đại đa số người đồng tình loại bỏ dần ra khỏi danh sách thú thịt. Là bởi, loài chó có cho mình những điều riêng có ở một loài vật không đơn thuần là loài vật, chúng có được tình cảm của con người, đôi khi trở thành một người bạn thân thiết. Vậy thì liệu có ai lại muốn đi hại một người bạn của mình?

Theo số liệu khảo sát và ước tính của Liên minh bảo vệ chó châu Á (ACPA), trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có 5 triệu con chó bị tiêu thụ. Số liệu này cũng chưa được xem là hoàn toàn chính xác vì buôn bán thịt chó là hoạt động phi pháp (ở Philippines, Đài Loan, Thái Lan và Hong Kong) hoặc hợp pháp nhưng phần lớn không được kiểm soát (ở Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc).

Theo ACPA, thịt chó phổ biến rộng rãi nhất ở châu Á và “ngành sản xuất thịt chó” được phát triển từ đây bằng mô hình kinh doanh hộ gia đình, biến nghệ giết mổ thành nền công nghiệp trị giá hàng tỉ đô la. Chính quá trình thương mại hóa đã dấy lên nhiều lo ngại về vấn đề phúc lợi động vật và sức khỏe con người. 

Thực tế, đã có rất nhiều cuộc điều tra ở khắp châu Á đã ghi nhận “sự tàn nhẫn trong tất cả các giai đoạn của hoạt động bán thịt chó, thu mua, vận chuyển và giết mổ”. ACPA cho rằng, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam thường biện hộ rằng thịt chó là “nền văn hóa” hoặc “truyền thống”, nhưng xét về khía cạnh nhân đạo và phúc lợi, thịt chó vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, bức xúc.

Và chẳng cứ người dân Việt Nam, ở mảnh đất phát triển bậc nhất Châu Á - Hàn Quốc, người ta vẫn cứ ăn thịt chó như một lẽ thường tình. Người Hàn Quốc không chỉ có lễ hội thịt chó như Trung Quốc, họ còn có hẳn một thủ phủ thịt chó hoạt động cực kỳ chuyên nghiệp với 2,5 triệu con chó được tiêu thụ hàng năm, 20.000 nhà hàng trên cả nước. Mỗi năm, xứ củ sâm tiêu thụ tới 100 nghìn tấn thịt chó, trong đó có tới hơn 93 nghìn tấn được dùng với mục đích bào chế thuốc bổ.

100 nghìn tấn thịt chó. Nếu quy đổi ra sẽ là bao nhiêu yêu thương và chăm bẵm đã phải kết thúc nơi miệng ăn của những kẻ lạ mặt, câu hỏi này liệu có bất cứ người ăn thịt chó nào trả lời được? 

Cuộc tranh cãi xoay quanh miếng thịt chó cũng chính xuất phát điểm từ những câu chuyên cảm động của loài chó với con người. Nếu như loài chó không nhiều tình cảm, trung thành với loài người nhiều đến như thế thì chắc chắn rằng loài chó cũng giống như bao loài động vật khác. Vị trí của loài chó đôi khi không còn đơn thuần là một loài vật bình thường. Nó là bạn, là thành viên của gia đình…

Từ Hachiko – bức tượng về lòng trung thành chưa bao giờ bị lãng quên

Hachiko chính là chú chó giàu tình nghĩa và lòng trung thành với câu chuyện gần như đã đi vào lịch sử. Mỗi khi nhắc đến cái tên ấy, người ta lại nhớ về hình ảnh một chú chó hàng ngày đến nhà ga đợi chủ của mình trở về suốt 9 năm, 9 tháng, 15 ngày.Chủ của Hachiko là giáo sư Hidesaburo Ueno – làm việc tại Đại học Tokyo (Nhật Bản). Ông nuôi một chú chó và đặt tên là Hachiko. Hằng ngày Hachiko vẫn theo chủ đến nhà ga để tiễn chủ đi làm và chờ đợi ở đó đến khi chủ về. Vào ngày định mệnh 21/5/1925, giáo sư Ueno đã bất ngờ đột quỵ do xuất huyết não khi đang giảng bài và qua đời ngay sau đó.Buổi chiều hôm ấy, cũng như mọi ngày, Hachiko vẫn đến nằm ở nhà ga và trông ngóng người chủ của mình trở về. Và cứ thế, nó đã chờ 10 năm ròng, đều đặn hằng ngày với hi vọng sẽ nhìn thấy bóng dáng thân thương của người chủ một lần nữa. Cuối cùng vào nggày 8/3/1935, chú chó nhỏ đã được thỏa ước nguyện, trở về đoàn tụ bên người chủ yêu quý. Hachiko đã trút hơi thở cuối cùng trong một buổi tối tuyết rơi trắng xóa tại một con phố ở Shibuya.

Cho đến chú chó nằm lì bên quan tài chủ...

Trận động đất mạnh 6,2 độ Richter xảy ra ở miền Trung Italy vào giữa năm 2016, đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 281 người dân vô tội.Trong số 34 quan tài được đặt sát nhau tại một phòng tập gym ở thị trấn Ascoli Piceno, ngoài những thân nhân của người gặp nạn đang đau buồn ngồi cạnh bên quan tài để nói lời từ biệt cuối cùng, thì hình ảnh chú chó nằm lặng lẽ bên một linh cữu khiến nhiều người phải sững lại.

Người ta không biết nhiều về chú chó trung thành này, ngoại trừ việc chủ của nó đến từ Accumoli – một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất. Khoảnh khắc chú chó ngồi lì bên quan tài của người chủ đã qua đời đã làm bao người phải rơi nước mắt và cảm động trước lòng trung thành của nó.

Nói đến đây, tôi lại nhớ đến Capitán - chú chó được ông Miguel Guzman (sống ở thị trấn nhỏ Villa Carlos Paz, Argentina) mua làm quà tặng cậu con trai Damian vào năm 2005. Thế nhưng, chuyện buồn đã xảy ra khi một năm sau, ông Miguel đột ngột qua đời. Sau đám tang ông, người ta cũng thấy Capitán mất tích. Mọi người nghĩ rằng nó đã chết hoặc đến sống ở một nơi khác. Cho đến một ngày, gia đình tới nghĩa trang thăm ông Miguel thì nhìn thấy Capitán đang ngồi bên cạnh ngôi mộ. Khi Damian hét lên đó là Capitán, chú chó tiến lại gần rồi sủa với tiếng như đang khóc. Sau đó, gia đình ông Miguel mới biết rằng, cứ 6 giờ chiều mỗi ngày, Capitán lại đến nằm bên mộ suốt đêm. Dù con trai ông Miguel đã nhiều lần đưa Capitán về nhà nhưng lần nào chú chó cũng quay lại nghĩa trang. Thế nên, gia đình họ tin rằng, Capitán đang ở đây để bảo vệ cho người chủ quá cố của mình.

Sau tất cả, điều chúng ta có thể cảm nhận được là trái tim của những chú chó luôn ấm tình yêu thương. Chỉ có điều chúng ta không thể hiểu được ngôn ngữ của chúng để có thể hiểu hết được tình cảm ấy. Và vì chúng rất trung thành, nghĩa tình, giàu lòng dũng cảm, thậm chí là cả sự hi sinh, nên con người cần yêu thương những chú chó hơn là làm tổn thương và gây đau đớn cho chúng.

Người “sành” ăn thịt chó vẫn truyền tai nhau rằng, thịt chó vừa ngon, vừa bổ, không giống như thịt gà, thịt lợn có chất tăng trọng, tạo nạc,… Nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Đằng sau cái danh món bổ dưỡng, thịt chó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại tới sức khỏe của con người, thậm chí có thể mất mạng vì ăn thịt chó.

Chó làm thịt thường được bắt trộm, đánh bả. Mà theo, Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết chó bị đánh bả làm thịt rất nguy hiểm. Bả chó được làm bằng nhiều nguồn chất độc như thuốc trừ sâu, thuốc chuột. Khi chó trúng bả, sẽ có lượng chất độc vào máu của chúng, đem chế biến không loại trừ được hết các chất này. Độc tố sẽ tác động tiêu cực tới cơ thể người ăn, phản ứng nhẹ sẽ gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, gia tăng bài tiết, nặng có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong.

Thịt chó sinh năng lượng cao. Trong 100g thịt chó cung cấp 338 Kcal, trong khi thịt bò chỉ cung cấp 118 Kcal, thịt gà là 199 Kcal. Tuy nhiên, so với thịt các động vật khác như trâu, bò, thịt chó có tính phức tạp hơn rất nhiều do chúng vốn ăn tạp, không ăn cây cỏ như bò. Chính vì thế, thịt chó dễ bị nhiễm nhiều giun, sán hơn. Theo một số tài liệu về y học, việc lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó (Toxocara canis) cực kỳ nguy hiểm. Ở mắt, chúng gây mù. Ở não, dây thần kinh chúng chèn ép gây chứng điên loạn. Tại gan, lách, phổi, ấu trùng tạo nhiều u nang làm cho các cơ quan này suy yếu, hoặc làm người bệnh tử vong do nhiễm trùng. Những tưởng đằng sau những miếng thịt chó vàng ruộm, đậm đà hương vị kia là “tinh túy” nhưng hóa ra lại là nguy hiểm trùng trùng chỉ trực chờ xâm hại tới sức khỏe của người ăn.

Thịt chó được tiêu thụ trên thị trường hiện nay đã số không được kiểm định, kiểm duyệt. Do không biết được nguồn gốc, xuất xứ cũng như không được kiểm dịch nên thịt chó tiềm ẩn các nguy cơ gây hại cho sức khỏe người ăn. Một số bác sĩ khẳng định, họ từng gặp trường hợp người không bị chó dại cắn mà vẫn lên cơn dại và tử vong. Nguyên nhân vì người này ăn tiết canh chó và con chó này đã bị bệnh dại. Ngoài ra, kể cả những con chó đã được tiêm phòng, không có khả năng gây tử vong thì người thường xuyên ăn thịt chó vẫn có khả năng bị tổn hại về sức khỏe. Lí do bởi vaccine phòng dại ở chó được chích mỗi năm. Để tiết kiệm giá thành, đa số vaccine dại cho chó hiện hành đều là chế phẩm từ virus dại sống giảm độc lực. Chính vì vậy, dư lượng vaccine trong thịt chó (theo biểu đồ tích lũy) trong một con chó 3-4 tuổi đủ sức gây yếu, liệt thần kinh trung ương của người ăn theo thời gian.

Bên cạnh đó, trong Đông y cũng khẳng định, thịt chó thuộc tính nhiệt và có tác dụng bổ dưỡng mạnh. Do vậy sau khi ăn nhiều, người lớn tuổi hoặc những người mắc bệnh huyết áp dễ bị tăng huyết áp, thậm chí dẫn tới tai biến, vỡ mạch máu não. Do đó người có bệnh liên quan mạch máu não không nên ăn thịt chó.

Những trường hợp nhiễm bệnh, ngộ độc, tử vong vì ăn thịt chó chính là một hồi chuông cảnh tình cho những người đang coi thịt chó là món ăn “khoái khẩu”, ngon hiếm thấy. Sướng miệng đấy nhưng hại thân, ôm bệnh vào người. 

 

Nhìn ra thế giới về câu chuyện của loài chó – thịt chó, hạ viện Mỹ thông qua một đạo luật cấm giết mổ chó - mèo làm thực phẩm cho con người. Theo đó, cá nhân nào có hành vi giết thịt, vận chuyển, buôn bán và tàng trữ thịt chó - mèo vì mục đích tiêu dùng sẽ bị phạt 5.000 USD (khoảng 118 triệu đồng). Cũng Hạ viện Mỹ, trong một nghị quyết khác, họ kêu gọi các quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào, Ấn Độ chấm dứt việc buôn bán thịt chó - mèo.

Đã từ lâu, nhiều tổ chức bảo vệ động vật trên thế giới đã phản đối việc giết chó - mèo ăn thịt; đồng thời kêu gọi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, chấm dứt hành động này. Một trong những động thái gần đây của Việt Nam đó là khi UBND TP Hà Nội vừa có văn bản kêu gọi hạn chế giết mổ và ăn thịt chó - mèo. Động thái này được Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam (Animals Asia) hoan nghênh - nhưng như thường thấy - đã gây nên những luồng ý kiến trái chiều từ dư luận trong nước.

Tựu trung gồm 3 nhóm. Nhóm ý kiến thứ nhất kiên quyết bảo vệ duy trì việc ăn thịt chó - mèo. Nhóm thứ hai đồng tình với việc kêu gọi hạn chế và tiến tới chấm dứt hẳn nhưng cần có lộ trình. Nhóm thứ ba gay gắt phản đối việc giết mổ và ăn thịt chó - mèo; yêu cầu phải chặn đứng lập tức. Nhóm thứ ba đông hơn cả, thậm chí nhiều áp đảo. 

Rõ ràng, chuyện ăn thịt chó (và mèo) đã có từ lâu đời ở Việt Nam cùng nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... Vào những giai đoạn kinh tế khó khăn, ở Việt Nam, việc giết thịt chó - mèo để làm thực phẩm cho con người càng phổ biến, như một cách cải thiện bữa ăn. Đã thành thói quen cộng với thịt chó là món khoái khẩu, lại không bị cấm đoán, nên bây giờ đâu dễ chấm dứt ăn thịt chó.

Nhưng có thật sự quá khó hoặc không thể chấm dứt hành động này? Không có gì mà làm không được. Nhiều nước trên thế giới đã làm được, như Thái Lan, Thụy Sĩ, chính quyền TP Manila (Philippines) và Hồng Kông... đã luật hóa, bao gồm các quy định cấm và chế tài hành vi giết mổ chó - mèo hay buôn bán chó - mèo để làm thức ăn cho con người. Mới nhất là chuyện ở Mỹ bằng nghị quyết của Hạ viện như đã nêu trên.

Các nước luật hóa được thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được! Nhất là khi đang có quá nhiều điều kiện và lý do để làm. Như chúng ta đã thấy, chó - mèo là vật nuôi thân thiết, trung thành. Về mặt tình cảm, giết thịt con vật nuôi như thế để đánh chén trong khi không hề bức bách về nhu cầu thực phẩm là đã nhẫn tâm. Về mặt thú y, giết mổ chó - mèo xưa nay không nằm trong diện kiểm soát (theo Luật Thú y) nên hoàn toàn không bảo đảm an toàn vệ sinh và tiềm ẩn mầm mống bệnh tật rất lớn đối với cộng đồng. Về nhu cầu thực phẩm, Việt Nam hoàn toàn không thiếu các loại thực phẩm khác từ vật nuôi như bò, trâu, heo, gà, thủy - hải sản... Đáng nói, về mặt an ninh trật tự xã hội, nạn bắt trộm chó đã gây ra biết bao thảm cảnh: ngồi tù, mất mạng, thương tật suốt đời, mâu thuẫn và xung đột... khắp nơi và pháp luật hình sự hiện cũng đang "bối rối" với nạn trộm chó...v.v

Khi nào còn ăn thịt chó hà rầm như hiện nay thì khi ấy còn nạn bắt trộm chó, còn buôn bán và còn giết mổ và những bi kịch như đã thấy sẽ còn tiếp tục kéo dài. Muốn làm thay đổi hành vi thì phải làm đổi thay nhận thức và tư duy. Chính việc luật hóa, nói rõ hơn là cấm, giết mổ và buôn bán chó - mèo, sẽ làm thay đổi nhận thức của con người, chứ kêu gọi chung chung thì không ăn thua.

Tương lai loài chó xét cho cùng được quyết định bởi nhận thức và hành động mỗi người. 

Thực hiện: Công Bắc