TIN SỰ KIỆN

[Độc quyền]: Chuyện về chàng sinh viên "dở hơi" lập thư viện cho mượn sách "đặt cọc niềm tin"

 

 

Người ta vẫn nói với nhau rằng, ở cái tuổi 22 là lúc con người ta cảm thấy bất định và chông chênh nhất của cuộc đời. Mất niềm tin, mất phương hướng cho những chặng đường tương lai... Nhưng không! Ở đâu có ngoài kia vẫn có những chàng trai, cô gái tuổi 22 vẫn rực cháy lòng ham sống, ham cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng và cho chính cuộc đời của họ...

Gặp chàng sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội - Hoàng Quý Bình ngay tại không gian của thư viện D Free Book. Một căn nhà cấp bốn đã cũ, những mảng tường bong chóc, những khung cửa sắt đã nhuốm màu thời gian. Trước căn nhà có khoảng sân trải đầy những chậu sen đá, xương rồng nho nhỏ, muôn sắc, muôn vẻ, đủ khiến người ta muốn sống chậm lại hơn giữa chốn thị thành ồn ã, xô bồ. Một góc nhỏ tĩnh tại giữa lòng thủ đô: có sách, có cây, có hoa và có cả niềm tin đáng quý giữa người với người.

Khi ấy Quý Bình vẫn đang tỉ mỉ chăm sóc từng chậu xương rồng nhỏ ngoài sân. Một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt hiền khô. Có gì đó chân thành mà ngại ngùng, đan xen những cảm xúc khó tả ở chàng trai này khiến người ta muốn hiểu và cảm nhận nhiều điều về cậu sinh viên ấy.

Cơ duyên nào khiến bạn có ý tưởng xây dựng một thư viện cho mượn sách hoàn toàn miễn phí này?

Dự án D Free Book được mình làm cách đây hơn một năm. Lúc đó, mình chỉ làm một mình, vì nó xuất phát từ tủ sách cá nhân của mình. Sau một thời gian mình có tổ chức sự kiện đổi sách lấy cây thì tủ sách ngày càng một nhiều lên. Và dần dần đến bây giờ thư viện được xây dựng, mình tuyển thêm các cộng tác viên để làm cùng với mình. Nó bắt nguồn từ tình yêu thích sách của mình. Mình có khá nhiều sách. Với mình sách nằm im là sách chết nên mình muốn lan toả những giá trị trong những cuốn sách hay không chỉ một người được đọc mà còn nhiều người được sử dụng chúng. Với cả sách mình đọc phải mua khá là nhiều, dùng xong để không rất lãng phí thế nên mình cho các bạn mượn và cũng là chỗ để mọi người có thể góp sách. Một điều khác là mình có thể mình làm được một điều gì đó cho cộng đồng thông qua thư viện.

Tại sao bạn lại lựa chọn tên cho thư viện của mình là D Free Book mà không phải một cái tên khác?

Không biết bạn có biết đến Damn Garden không? Bạn biết Damn là gì không? Khi mà bạn xem phim nước ngoài người ta hay nói là “Damn it” – có nghĩa là một câu chửi. Thì chữ D là viết tắt của từ Damn. Mình muốn phá vỡ định kiến rằng “Trông mặt mà bắt hình rong”. Mình muốn rằng dù có thế nào, trong trường hợp gì thì mọi người nên đánh giá cái tính chất sự việc không phải qua hình hài sự việc. Tại vì giá trị bên trong mới là những cái yếu tố quyết định chứ không phải là những cái bên ngoài.

 

Ban đầu bạn lấy nguồn sách từ đâu cho thư viện của mình? Hiện tại trong thư viện của bạn có bao nhiêu cuốn sách?

Thư viện có hơn 1200 đầu sách về các thể loại như self help - sách kỹ năng, kinh doanh, tư duy, làm giàu, văn học lịch sử, tiểu thuyết, trinh thám, sách thiếu nhi,… Trong đó, thể loại sách nhiều nhất là văn học và kĩ năng. Các bạn cũng mượn hai loại này là chủ yếu. Sách kĩ năng thì các bạn có thể mượn nhiều hơn tại vì các bạn trẻ các bạn quan tâm tới những gì các bạn có thể học hỏi được, tinh thần học qua sách của các bạn cũng rất là nhiều.  

Số sách ở thư viện gồm số sách mình mua từ hồi năm nhất đến giờ (hơn 300 cuốn), hơn 200 cuốn mình tổ chức sự kiện đổi sách lấy cây, còn lại mình kêu gọi sự đóng góp của bạn bè, anh chị em “mọt sách” mình quen để làm đa dạng và tăng số lượng sách lên. Hàng tháng số lượng sách thêm vào khoảng 100 cuốn.

Một mình thực hiện dự án này chắc hẳn bạn sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Vậy những khó khăn mà bạn gặp phải trong những ngày đầu là gì? Hiện tại còn những khó khăn nào không?

Hiện tại, khó khăn lớn nhất đó là kinh phí tại vì tiền thuê thư viện khá là cao. Tiền thuê khoảng 5 triệu/1 tháng. Mình là sinh viên, nên nó cũng là điều khó khăn với mình. Còn về việc quản lí thư viện thì cũng không có gì vì các bạn cộng tác viên rất nhiệt tình. Khó khăn trước đây thì mình không thấy, trước đây làm một mình thì do để sách trên phòng, chạy lên chạy xuống nhiều mọi người thấy mình vất vả nhưng mình thấy bình thường. Lúc đó mình dùng phòng của mình, giờ mở rộng mình phải đi thuê nên khó khăn nhất chủ yếu là về tài chính.

Điều gì đặc biệt khi đến với D Free Book, bạn có thể chia sẻ?

Thư viện được xây dựng trên sự tự giác, người mượn ko phải đặt cọc tiền hay bất cứ giấy tờ gì, chỉ cần để lại số điện thoại. Mượn sách bằng đặt cọc niềm tin. Mỗi lần mượn, các bạn sẽ ghi lại ngày mượn/số điện thoại/tên mình và tên sách, được mượn 2 cuốn mỗi lần, đọc xong sớm thì được mượn tiếp sớm, trả sách muộn nhất trong một tháng. Các bạn có thể ngồi ở thư viện cả ngày từ 8h – 21h. Thư viện luôn mở cửa.

Ở đây, việc mượn sách bằng đặt cọc niềm tin mình muốn xây dựng niềm tin giữa con người với con người, giữa cộng đồng với nhau, bền chặt hơn.

Khi đến mượn sách tại D Free Book mọi người sẽ đặt cọc niềm tin. Lấy lòng tin làm sự trao đổi như vậy nhiều người sẽ thấy có vẻ không khả quan, thậm chí là điên rồ vì chẳng mấy mà mất hết sách. Ban đầu những người thân, bạn bè xung quanh bạn có nghĩ như vậy không?

Ban đầu thì mọi người thấy cho mượn sách đặt cọc niềm tin là một điều gì đó vô lí, thậm chí nói mình rất là dở hơi, điên này kia. Tại vì là niềm tin ở cái xã hội này nó còn rất là ít, mong manh, mà mình lại làm như thế thậm chí có người nói mình chỉ muốn thể hiện cái ngông của mình ra, họ nói rất nhiều, rất là nhiều ý kiến, nhưng mình vẫn làm tại vì nó là một phần tính cách của mình muốn hoạt động vì cộng đồng. Mọi người chỉ biết mình qua thư viện. Nhưng trước đấy rất nhiều năm mình tham gia các hoạt động tình nguyện mà mọi người không biết đến nên mọi người nghĩ cái đó rất lạ nhưng thật ra nó rất bình thường.

Nhận được sự quan tâm của mọi người đó cũng là điều không hẳn là áp lực mà mình biến nó thành động lực, để cố gắng làm những điều mình muốn làm. Bản thân mình chưa bao giờ thấy áp lực.

Về phía gia đình thật ra mọi người cũng không ủng hộ tại vì ngay cả mẹ mình cũng rất là ủng hộ mình trong các hoạt động xã hội nhưng cái này nó lại khác hoàn toàn. Thứ nhất là kinh phí khá lớn; thứ hai là mình lại thêm nhiều công việc khác thì mẹ rất là lo lắng: “Mày đã làm được cái kia, cái này rồi… mà lại còn làm cái này, cái kia nữa…” thì cũng khá lo lắng. Còn bạn bè thì thậm chí mình phải nói dối, không dám nói thật tại vì nếu nói thật thì mấy đứa sẽ bảo anh rất là… cũng kiểu như mấy người lạ nói.

Những người xa lạ, họ chưa tìm hiểu kỹ về D Free Book hay con người mình. Mình nói với họ, niềm tin là thứ đáng giá nhất mà con người ta trao cho nhau, và niềm tin là thứ duy nhất để mình tiếp tục tin tưởng vào những điều mình đang làm.

Trong quá trình thực hiện trao đổi sách cho mọi người tại D Free Book chắc chắn sẽ có những câu chuyện thú vị, bạn có thể kể một vài kỷ niệm đáng nhớ của mình?

Thư viện được xây dựng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Có hai em học thường xuyên qua thư viện mượn sách, các em ở mãi Đan Phượng, đạp xe cùng nhau dưới cái nắng oi ả mùa hè để đến được thư viện. Có anh chồng tối đi làm về tuần nào cũng qua mượn hai cuốn sách về cho chị nhà đọc. Có một chị tuần nào cũng đèo cả em bé qua thư viện mà lúc nào đến nơi mồ hôi mồ kê cũng nhễ nhại. Có các bạn sinh viên ở tận cầu giấy hay các bác về hưu cũng thường xuyên qua thư viện mượn sách.

Với nhiều người đến với D Free Book như vậy, bạn nghĩ như thế nào về văn hóa và nhu cầu đọc sách của mọi người hiện nay?

Trước đó mình có nghe văn hóa đọc của người Việt Nam rất là yếu kém. Mà đến lúc làm thư viện thì người ta qua đọc sách rất là nhiều thậm chí là sách thư viện còn không đủ để cấp thì mình nghĩ rằng vấn đề không phải là nằm ở văn hóa đọc thấp mà vấn đề là từ những cuốn sách. Thứ nhất giá sách thì khá là cao thứ hai là sách thì quá nhiều thể loại thì các bạn kiểu như “bơi giữa biển” không biết là lựa chọn cuốn nào để đọc nếu không có những người có thể gợi ý. Với cả thư viện được mở thì sẽ giúp các bạn bớt một phần kinh phí đi thì giá sách khá là cao nếu mà những bạn thích đọc nhiều thì rất là tốn kém.

Được biết ngoài việc quản lý thư viện D Free Book bạn còn công việc khác là bán sen đá, xương rồng,… tại DAMN Garden, tham gia dạy lớp học tình nguyện tại CLB ACE, học đánh đàn,… Vậy bạn quản lý, phân chia thời gian như thế nào để cân bằng nhiều công việc như vậy?

Không hiểu sao bạn biết mình làm những công việc đó, dù như vậy vẫn chưa đủ. Thực sự mình rất sợ chết, mình luôn khát khao được sống ý nghĩa, được giúp đỡ mọi người nhiều nhất có thể và làm mọi việc mình thấy thích. Mình đã quen cách làm việc liên tục trong suốt nhiều năm, mình không bao giờ nghĩ đến việc cân bằng mọi thứ, mà mình luôn cố gắng hết sức để làm mọi thứ tốt nhất có thể, cả việc học lẫn theo đuổi đam mê, và mọi thứ diễn ra như 1 cái duyên, mình may mắn, vì chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về điều gì. Như đã nói ở trên, D Free Book ko phải điều làm mình tốn nhiều thời gian nhất, tất cả điều mình làm, chúng đều chiếm một khoảng thời gian nhất định, và ý nghĩa với mình.

Thật ra là mỗi công việc mình không phân chia công việc nào là chính, công việc nào là phụ. Mỗi công việc mình coi như là một phần cuộc sống của mình, không thể tách rời được, làm sao cố gắng để hoàn thành nó tốt nhất có thể. Đến giờ, mọi việc vẫn tốt theo như ý của mình.

Sau một thời gian hoạt động D Free Book, bạn nghĩ mình được gì và mất gì khi thực hiện dự án D Free Book này? Về nhu cầu đọc sách của mọi người ra sao?

Sau 1 năm cho mọi mượn sách miễn phí mình chưa bị mất một cuốn nào, thậm chí điều mình nhận về còn nhiều hơn thế. Những cuốn sách mọi góp vào thư viện, những nụ cười thật tươi và những cái bắt tay thật ấm, nhiều lắm, mình nhận về rất nhiều. Cái mất của mình thì mình chưa thấy. Mình nghĩ thời gian này rất ý nghĩa, rất là vui. Mình chưa bao giờ thấy hối tiếc.

Nếu được nói thêm thì cho mình gửi lời cám ơn mọi người đã đến D Free Book góp sách và mượn sách dù những hôm nóng nực hay những hôm mưa bão, những đêm khuya hay những ngày mỏi hệt. Mình rất cám ơn!

Trong tương lai, bạn có dự định gì để phát triển thêm dự án thư viện mượn sách miễn phí D Free Book của mình không?

Tương lai thì thư viện vẫn sẽ ở đây (số 33, ngõ 67 Lê Thanh Nghị, Hà Nội). Mình sẽ cố gắng tổ chức thêm những hoạt động để gắn kết mọi người hơn, các buổi học kĩ năng hoặc là những hoạt động khác dành cho các bạn trẻ kể kết nối mọi người lại với nhau nhiều hơn.

Cảm ơn những chia sẻ của Quý Bình! Chúc bạn luôn thành công trong cuộc sống và tiếp tục xây dựng D Free Book cũng như những dự án vì cộng đồng khác ngày một phát triển.

Một chàng viên tuổi 22 như Quý Bình giữa muôn vàn những khó khăn của cuộc sống sinh viên, giữa những lời chê bai, phản đối nhưng Quý Bình vẫn luôn cho mình một niềm tin về những giá trị tốt đẹp sẽ được lan toả trong cuộc sống. Luôn tin và không hối tiếc với tất cả những điều mình đã và đang làm là một phần cuộc sống của chàng sinh viên mà người ta vẫn nói "dở hơi" khi cho mượn sách "đặt cọc niềm tin" ấy.

Thực hiện: Công Bắc

Cứ 100 phút lại có 1 người tuổi 22 tự tử hoặc có ý định tự tử. Vì thế, We25 đã cho ra một chuyên đề mới  mang tên"#Reply22 - Khi chúng ta lại quay trở về vạch xuất phát" nhằm giúp đỡ những người trẻ giải quyết mọi vấn đề nhức nhối nhất. Đừng ngần ngại chia sẻ và giúp đỡ!​