TIN SỰ KIỆN

 Hoàng Tiến: Dập tắt bóng đêm trầm cảm, thắp sáng những “ngọn nến cong”

Một nụ cười tươi luôn thường trực trên môi, hoạt bát và vui vẻ, chẳng ai nghĩ chàng sinh viên Hoàng Tiến (20 tuổi) đã từng trải qua 3 năm cuộc đời chìm trong bóng đêm của chứng bệnh trầm cảm tai quái. Gợi nhắc về quãng thời gian đen tối trong cuộc đời mình: mất phương phướng, không lối thoát trong mớ suy nghĩ tiêu cực, không tìm thấy điểm tựa và niềm tin trong cuộc sống,… điều này càng khiến chàng trai ấy quyết tâm hơn bao giờ hết để trở thành một thầy người thấy giáo dạy trẻ tự kỉ và huấn luyện các bạn trẻ trầm cảm, giúp chúng dập tắt bóng đêm của cuộc đời mình. 

Đến trung tâm Tâm Việt vào một ngày có nắng lộng gió, vô tình gặp Hoàng Tiến đang huấn luyện cho các em nhỏ tự kỉ đạp xe đạp một bánh, người ta thấy một thầy giáo trẻ dáng vẻ thư sinh, năng động, vui tính, quyết đoán, khuôn mặt sáng bừng rạng rỡ. Tiến chăm chỉ, miệt mài hướng dẫn tỉ mỉ, sát sao quan tâm tới các em nhỏ tự kỉ ở đây. Thấy Tiến vậy, ai mà ngờ được quãng thời gian vài tháng trước đó, Tiến vẫn đang mắc chứng trầm cảm – căn bệnh cướp đi sinh mạng của 800.000 người trên thế giới hàng năm. 

Thời gian mắc trầm cảm, Tiến luôn cúi gằm mặt, tự nhốt mình trong phòng, không tiếp xúc cả với người thân, luôn hoảng loạn trước mớ hỗn độn của suy nghĩ tiêu cực, ngay cả mẹ đẻ ra mình cũng không tin. “Lúc nào mình cũng sợ hãi, cũng cảm thấy thua thiệt đủ thứ, không tự tin về bản thân. Mình hầu như không ra ngoài, nếu có thì cũng chỉ cúi gằm mặt xuống, không dám nhìn vào mắt mọi người. Mình không bao giờ cười, đôi mắt lúc nào cũng vô hồn. Thậm chí mình không thể kiểm soát cảm xúc. Giống như một trái bom vậy, cảm tưởng nếu có ai chọc tức mình lúc đó, mình sẵn sàng bùng nổ và thực sự đến mình cũng không dám nghĩ bản thân sẽ làm gì” – Tiến kể lại. 

Quãng đen tối trong cuộc đời Hoàng Tiến được đánh dấu bằng một đêm đỉnh điểm của tuyệt vọng. Tiến bị bố đuổi ra khỏi nhà, nơi duy nhất là nhà cũng không chấp nhận Tiến, giữa sự hỗn tạp của đủ thứ áp lực, Tiến vô định và mất phương hướng hoàn toàn. Cái cảm giác chẳng thể tìm cho mình được một điểm tựa để hi vọng nó khủng khiếp đến như thế nào. Thế mới thấy những người trầm cảm như Tiến đã phải trải qua những giằng xé của cảm xúc đến cùng cực như thế nào.  Ra khỏi nhà, ra khỏi căn phòng bấy lâu Tiến giam hãm chính mình. Một đêm là tâm hồn vốn đã chẳng lành lặn kia xổ lồng bước ra một thế giới nhiều lắm những vô định. Tiến đi lang thang, lang thang mãi tới khi kiệt sức thì đôi chân cậu lại dẫn Tiến trở về nhà. Phải chăng nơi ấy có thứ sẽ giúp Tiến khá hơn ít nhất là cứu vãn những cảm xúc tồi tệ bấy lâu. Nhưng không dẫu có đứng trương ngôi nhà chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ của mình: nơi sinh ra và lớn lên, Tiến vẫn thấy mình chẳng cô độc, lạc long như thể trên đời này chẳng còn nơi nào chứa chấp mình.  

Người ta vẫn nói vào lúc tuyệt vọng nhất của cuộc đời, người ta chỉ muốn tìm đến cái chết. Đôi khi chính cái chết với nhiều người đã trải qua những đau đớn của tâm hôn chính là liều thuốc giảm đau hiệu quả nhất. Và với Tiến cũng vậy, cậu thực sự chỉ muốn kết liễu cuộc sống không lối thoát này của mình. Khi mẹ mở cửa đón Tiến vào nhà, trước những giọt nước mắt xót xa của mẹ, Tiến cũng không sao đồng cảm được. Cậu quyết định nhịn ăn uống, tuyệt thực. 

Ở vào thời điểm hiện tại, khi nhìn lại quãng thời gian bóng đêm trầm cảm bao chùm, chính Tiến cũng không dám chắc nguyên do từ đâu mà trầm cảm đến với mình. Tiến bảo Tiến đã trải qua những trạng thái thực sự tồi tệ trong suốt thời gian sống với trầm cảm. Tiến mất ngủ về khuya và luôn suy nghĩ lung tung trong khoảng thời gian đó. Đến khi ngủ được rồi, thì ngủ li bì không muốn dậy, không muốn làm bất cứ thứ gì ngay cả những công việc tối thiểu nhất: đánh răng, rửa mặt, tắm táp,… Tiến mất vị giác, ăn gì cũng không thấy ngon cho dù đó là món khoái khẩu. Tiến ăn rất ít chỉ đủ để cậu cầm hơi, tiếp tục sống. Tìm đến và làm những điều mình thích thường là cách để người ta giải tỏa áp lực, xả stress, nhưng với Tiến điều này là vô nghĩa. Tiến mất hứng thú với sở thích trước kia. Đó là vẽ. Tiến kể: “Trước kia mình cực kì thích vẽ, vẽ bất cứ lúc nào có cảm hứng nhưng từ khi tốt nghiệp cấp 3 xong mình mất đi hứng thú, nhìn đến bút chì cũng không thèm cầm luôn”. Dường như Tiến đã mất hết những cảm xúc của một người bình thường, mặc kết trong trạng thái của một kẻ vô vọng, mất niềm tin sống.

Khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trong khi các bạn cùng lớp người thì học nghề, người đi làm, người thi đại học, còn Tiến vẫn mãi phân vân không quyết định nổi mình sẽ thi vào trường đại học nào. Sự rối trí ấy càng khiến cậu suy sụp. Những áp lực học hành bởi môi trường cạnh tranh khốc liệt, khiến Tiến rất áp lực và muốn buông bỏ tất cả. “Nhiều lúc mình đã tự hỏi sau này mình sẽ làm gì? Học Đại học thì để làm gì? Mình sẽ là ai trong cuộc đời này? Những câu hỏi cứ xoay vần trong đầu khiến mình rất khủng hoảng và chán chường. Làm gì cũng không tập trung, cũng chóng chán” – Hoàng Tiến chia sẻ.

Sau cùng, để chống đỡ với sức ép từ người thân, và cũng để tự trấn an, Tiến đăng ký học lập trình tại Hanoi Aptech. Vào học rồi, Tiến vẫn không sao thoát khỏi mớ bòng bong của sự rối trí, không tìm được động lực, mục tiêu cho việc học. Cậu rơi vào vòng lẩn quẩn, chán học, nghỉ học, điểm kém, nợ nhiều môn… và cuối cùng, cái kết tất yếu đã đến, Tiến bỏ học ở Aptech sau một năm cố gắng học mà chẳng thu được gì. 

Tiến thấy mình lạc lõng với một môi trường mới nhưng khi không đi học nữa, chỉ ở nhà, cũng không đi làm, tâm trạng của Tiến càng tồi tệ hơn. Bố mẹ cậu phải đưa cậu đến bệnh viện tâm thần trung ương khám và điều trị. Bác sĩ kết luận Hoàng Tiến bị trầm cảm nhẹ, cho dùng thuốc. Hết liệu trình điều trị, Tiến cảm thấy khá hơn. Khi đó, Tiến lại muốn đi học. Tại Bắc Ninh quê Tiến, có nhiều người Trung làm việc và sinh sống, Tiến nghĩ mình nên học tiếng Trung để có thể giao tiếp và làm việc với người Trung. Khi đăng ký một lớp học tiếng Trung, Tiến gặp một bạn gái và dính “tiếng sét ái tình”. Những tưởng tình yêu sẽ giúp Tiến có lại những cảm xúc, hứng thú trong cuộc đời nhưng không cô bạn gái này cũng được một anh bạn học khác trong lớp để ý, và cô nghiêng về anh bạn kia mà chẳng mảy may chú ý đến Tiến. Một đòn mạnh dáng vào tâm kí vốn đã mỏng manh, nhạy cảm của Tiến. Thất vọng và không vượt qua được cảm xúc, Tiến lại rơi vào trầm cảm, bỏ học về nhà, lại giam mình trong căn phòng chống với bốn bức tường lặng thinh, cô độc.

Sau đủ mọi thứ áp lực hỗn tạp: từ chuyện học hành, mong đợi của gia đình, áp lực cạnh tranh cho đến chuyện thất tình Tiến lại rơi vào tình trạng cũ, không giao tiếp với ai, kể cả người thân, chán ăn uống, đêm mất ngủ triền miên và luôn đau đầu. “Thật đáng sợ khi em cứ thức đêm, muốn ngủ mà không ngủ nổi, đầu nhức như búa bổ. Những ý nghĩ nhảy điên loạn trong đầu, lúc thì về quá khứ, khi thì ở hiện tại, lúc lại là tương lai. Em không thể điều khiển được những suy nghĩ trong đầu, nó khiến em rối trí và ngày càng hoảng loạn. Dòng suy nghĩ mỗi lúc một ngắn, nhiều lên, dính vào nhau, giằng xé điên đầu…” – Hoàng Tiến nhớ lại.

Ở vào cái độ tuổi mà đáng ra người ta phơi phới sức sống, ham được sống, ham được cống hiến vậy mà chàng trai đôi mươi Hoàng Tiến đã hoàn toàn bị khống chế bởi chứng trầm cảm oái ăm. Tiến tuyệt vọng, vô định và mất niềm tin sống… 

Lo lắng cho sức khỏe của Tiến. “Có bệnh thì vái tứ phương”, bố mẹ đưa Tiến đi khám ở các bác sĩ có tiếng khác nhau, uống nhiều thuốc nhưng không có tiến triển tốt. Họ thay đổi phương pháp, đưa con đến các chuyên gia tâm lý để dùng liệu pháp tâm lý. Các chuyên gia tìm cách trò chuyện với Tiến, khơi gợi để cậu mở lòng, xem có thể tìm ra nguyên nhân từ đâu. Nhưng Tiến bất hợp tác. Cậu chỉ im lặng. Lúc ấy, cậu không thể tin tưởng bất kỳ ai, kể cả bố mẹ. Tiến chỉ cúi gằm mặt, mong sao cho thời gian đăng ký gặp chuyên gia sớm hết để cậu được về nhà, chui vào cái xó an toàn duy nhất của mình.

Tưỏng chừng như sự tuyệt vọng chẳng thể cứu vãn nhưng thật đúng như người ta vẫn nói, cánh cửa khác đóng lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra. Sau những liệu pháp tâm lí không thành, một hôm, mẹ Tiến tìm cách đưa cậu ra khỏi nhà, với lý do đi Hà Nội thăm bà ngoại đang phải nằm viện phẫu thuật. Nào ngờ, mẹ đưa Tiến đến trung tâm Tâm Việt. Sau này Tiến được biết, mẹ Tiến đã tìm hiểu thông tin về Tâm Việt, một trung tâm phát triển kỹ năng con người, nên đưa Tiến đến, với hy vọng con trai mình sẽ được điều trị bằng cách khác, may ra có thể hiệu quả. 

Một môi trường mới mở ra với Tiến, nhiều điều mới mẻ và thú vị. Tiến tưởng đây là một trung tâm dạy xiếc, vì có nhiều em nhỏ đang được huấn luyện đi xe đạp một bánh, đội chai nước cân bằng trên đầu, tung nhiều bóng, rất điêu luyện. Tiến rất khâm phục khi thấy các em nhỏ có thể làm ba việc khó cùng lúc như vậy. Nhưng hồi sau Tiến mới biết các em nhỏ đó đều mắc chứng tự kỷ. Có em tự kỷ tăng động, chuyên đập phá, tự gây thương tích cho mình và thậm chí đánh người khác. Lúc ấy, Tiến chỉ muốn về nhà ngay, thoát khỏi ngay trung tâm này dẫu ban đầu chúng có gì đó rất thú vị khiến Tiến thích thú.

Trong cuộc sống luôn có một chữ duyên định mệnh trong các cuộc gặp gỡ. Ngay ngày đầu tiên đến đây, thầy Việt (TS. Phan Quốc Việt) – người sáng lập trung tâm đã kéo Tiến ra một góc và hỏi: “Thực vật và động vật khác nhau ở điểm gì?”; “Động vật và người khác nhau ở điểm gì?” Những câu hỏi mang tính thức tỉnh ấy đã vực Tiến đứng lên. Rồi thầy đưa Tiến đến gặp những đứa trẻ tự kỷ miệt mài tập luyện trên những chiếc xe đạp một bánh, nhìn chúng ăn uống, sinh hoạt,... Tiến đã chọn ở lại và điều này đã khiến cậu thay đổi rất nhiều. Mọi thứ thực sự như là một phép màu.  

Ở Tâm Việt có những điều thực sự đặc biệt. Tiến được giao cho một chiếc xe đạp một bánh. Sau khi được hướng dẫn ngắn gọn, Tiến phải tự xoay sở với một chiếc xe đạp kì lạ Tiến chưa từng thấy trước đây, chỉ có duy nhất một bánh. Ban đầu, Tiến cố gắng thử cân bằng trên xe đạp, nhưng không được, chiếc xe bất kham không theo ý muốn của Tiến, nghiêng đổ làm cậu phải nhảy khỏi xe sau một tích tắc. Tiến nản quá, muốn quẳng cái xe đi, trong đầu nghĩ, việc quái gì mình phải đi cái xe đạp một bánh này, mình có định làm xiếc đâu! Sau này, Tiến mới hiểu, việc đi xe đạp một bánh đầy khó khăn, khiến cậu phải tập trung tinh thần cao độ, cơ thể cũng vận động tích cực khiến cho sự rối loạn trong tâm trí và các hoạt động chức năng của cơ thể được tự sắp xếp, điều chỉnh cân bằng trở lại.

Vật lộn với chiếc xe đạp kì quặc một hồi mà chẳng thể điều khiển, Tiễn đã quẳng cái xe đi, thì Tiến chợt nhìn lại, thấy các em nhỏ tự kỷ đang đi xe đạp một bánh cân bằng rất giỏi, nét mặt tươi cười hạnh phúc. Chính điều này đã khiến Tiến tự đặt câu hỏi cho mình. So với các em, cậu may mắn hơn nhiều, vậy thì tại sao cậu lại không thể làm được điều các em đã làm? Tiến tập trung hơn, mặc cho thất bại hết lần này đến lần khác, cậu vẫn kiên tâm tập cân bằng trên xe đạp một bánh. Cơ thể dần khỏe hơn. Sau nửa tháng, Tiến hòa nhập tốt hơn với mọi người ở trung tâm. Cậu còn giúp cho một em nhỏ mới vào tập đi xe đạp. 

Cuộc sống luôn cho ta quyền được lựa chọn. Đi hay ở, tiếp tục hay dừng lại, đối mặt hay trốn tránh. Tiến đã có một thời gian thay đổi tích cực khi ở Tâm Việt: hòa nhập, có cảm xúc, kiểm soát được suy nghĩ nhưng Tiến vẫn có ý định rời bỏ trung tâm khi được thầy Việt cho về thăm nhà. Cậu vẫn nhớ nhà và chưa tin lắm vào lời thầy Việt. Nhưng đêm đến, khi lên giường ngủ ở nhà, cậu chợt thấy khó ngủ, và hiểu ra rằng, suốt tháng qua sống ở trung tâm, cậu thực sự đã thoát ra khỏi địa ngục, nhận ra một điều gì đó, dù chưa rõ rệt, nhưng đã thành động lực thôi thúc cậu sống và rèn luyện giỏi, để có thể giúp cho ai đó, và tìm thấy mục đích sống của chính mình. 

Từ chỗ là một bệnh nhân trầm cảm Hoàng Tiến đã tiến bộ vượt trội, trở thành thầy giáo và được nhận lương sau ba tháng đến Trung tâm. 

Trước đó Tiến đã có cái nhìn rất hoang mang về trẻ tự kỉ. Làm sao có thể tiếp xúc với những đứa trẻ mất khả năng kiểm soát cảm xúc và hành động của mình được. Thậm chí Tiến rất sợ. Nhưng khi thử tiếp xúc thì Tiến mới thực sự nhận ra nhiều điều. “Mình đã có cái nhìn hoàn toàn khác về những đứa trẻ tự kỷ. Chúng không phải những đứa trẻ lúc nào cũng lặng lẽ một mình, không quan tâm, không để ý đến ai mà là những đứa trẻ rất hồn nhiên, vui tươi, yêu đời. Khác hẳn với những đứa trẻ ở thành thị. Thậm chí chúng còn có những khả năng thiên tài và sự kiên trì, quyết tâm đến kỳ lạ”. – Tiến chia sẻ.

Đôi khi chính những sự thiệt thòi lại khiến còn người ta có những cảm giác sống tiềm ẩn mạnh mẽ và lan tỏa tới với nhiều người và những đứa trẻ tự kỉ ở Tâm Việt cũng chính là những người như thế. Chúng sống và cố gắng từng ngày khiến một chàng trai từng tự tử hai lần muốn sống và muốn làm những điều đẹp đẽ trước hết là cho các em nhỏ tự kỉ sau là cống hiến cho cuộc đời từ những điều giản đơn nhưng chân thành nhất. “Lúc ấy, mình đã nghĩ tại sao những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi kia vẫn luôn nỗ lực từng ngày, còn mình thì lại không? Chính những đứa trẻ đặc biệt này đã khiến mình trưởng thành hơn, muốn gắn bó với chúng lâu thật lâu và quyết định ở lại làm thầy giáo” – Tiến tâm sự.  

Với vai trò là một người thầy huấn luyện, Tiến hằng ngày dạy các em theo phương pháp và giáo trình riêng của trẻ tự kỷ với những bài tập như đi xe đạp một bánh, tung hứng, giữ thăng bằng,... để học cách tập trung, chăm sóc các em, dạy các em những việc đơn giản nhất để chúng có thể tự sinh hoạt mà không cần hỗ trợ của người khác như tự ăn uống, tắm giặt, rửa bát,... Những việc nghe thì đơn giản, nhưng với trẻ tự kỷ lại mất rất nhiều thời gian. Khó khăn lớn nhất khi làm một thầy giáo dạy trẻ tự kỷ theo Tiến là làm sao để bắt đầu một công việc mới ở môi trường mới khi thói quen cũ của vẫn còn. Trong khi ở đây luôn phải ăn, ngủ, sinh hoạt giờ giấc đều phải đúng giờ để làm gương cho các em. Nhưng quan trọng hơn hết chính là cách tiếp xúc với trẻ tự kỷ. Mỗi đứa trẻ ở đây đều đặc biệt và riêng biệt. Nên với mỗi em lại phải có một cách khác nhau để tiếp cận và hiểu chúng. 

“Những ngày đầu mình mới vào. Mình được giao chăm sóc một bé bị rối loạn cảm xúc. Khi không kiểm soát được em ấy sẽ tự làm đau cơ thể mình bằng cách đập đầu vào tường hay bề mặt cứng rất mạnh. Khi mới tiếp xúc mình thậm chí thấy sợ, rồi cứ tự hỏi làm sao mà làm được đây? Nên mình đã tạo ấn tượng đầu không tốt với em ấy lắm. Thành thử sau cứ bị em ấy bắt nạt!”.

Đến mức, các anh chị trong trung tâm đã phải động viên Tiến: “Cứ cố gắng từ từ, em sẽ thấy bạn ấy cũng đáng yêu lắm!”. Có lúc thấy nản, thấy cáu, không kiềm chế được cảm xúc là Tiến lại muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy tại sao những đứa trẻ này chịu bao thiệt thòi vẫn cố gắng luyện tập mỗi ngày, nhọc nhằn gắn kết những mối nối đường truyền trong não, có em đã thành kỷ lục gia thế giới, còn mình, chỉ việc cỏn con mà không làm được? Vậy là chàng trai trẻ ấy lại quyết tâm! “Sau đó, mình mới ngộ ra rằng mỗi đứa trẻ đều có ngôn ngữ riêng mà mình cần yêu thương chúng thật sự thì mới hiểu được. Nói là dạy chúng, nhưng chính những đứa trẻ này đã chữa trị cho mình, kéo mình ra khỏi vũng lầy cảm xúc lúc nào không hay”. – Tiến tâm sự.  

Hiện tại, Tiến được giao chăm sóc “hai con” là bé Su và bé Tấn. Các em nhỏ ở đây luôn gọi người chăm sóc mình là “bố”, “mẹ” và rất gắn bó với người đó. Với Su và Tấn cũng vậy! Các em lúc nào cũng gọi “bố Tiến”, quấn quýt không rời, thậm chí không thấy bố là không ăn cơm. “Chúng cho mình cảm giác muốn chở che và bảo bọc. Từ ngày làm “bố” của Su và Tấn, mình thấy bản thân trưởng thành hơn, có trách nhiệm hơn rất nhiều. Không như trước kia, làm gì cũng mau chán, chẳng bao giờ chú tâm làm gì, từ bỏ mà không cần lý do, thích là làm, thích là bỏ”. – Tiến kể.  Khi được hỏi về dự định tương lai, Tiến chỉ nở một nụ cười và nói cậu vẫn muốn ở lại Tâm Việt với các em thật lâu còn những điều khác chưa tính đến. “Bởi còn rất nhiều điều mình cần học ở đây. Học yêu thương, học làm người!”.

Sau tất cả những sự tăm tối của quãng thời gian mặc trầm cảm giờ đây hành trình tìm lại chính mình của chàng trai Hoàng Tiến đã có một điểm dừng thật đẹp, tìm được một người thầy, một người bố đúng nghĩa cho những đứa trẻ thiệt thòi mắc tự kỉ. Những nụ cười tươi của các con, những tiếng gọi “bố Tiến’ ơi mới đượm tình và ý nghĩa làm sao. Có lẽ, tình cảm chân thành của những em nhỏ tự kỷ tại Trung tâm đã đánh thức bản năng làm bố trong cậu trai trẻ, muốn chăm sóc, che chở cho “con”, điều đó khiến cậu thức tỉnh và hiểu ra rằng mình còn có ích cho ai đó, có ai đó cần mình, và vì thế mà mình có ý nghĩa. Tình cảm của các em nhỏ trong cộng đồng đã kéo Tiến trở lại với cuộc đời của một người trẻ: ham sống, ham cống hiến. Tiến sẽ tiếp tục thắp lên một cuộc đời tươi sáng cho những “ngọn nến cong”.

Thực hiện: Công Bắc