TIN SỰ KIỆN

Tiếng rao hàng rong - Một phần hồn chốn phồn hoa

 

Giữa muôn vàn thứ âm thanh hỗn tạp nơi thị thành tấp nập, nhốn nháo. Bất giác ta lại nghe đâu đây nơi góc phố thân thuộc vẫn còn sót lại những tiếng rao “vang bóng một thời”. Thứ âm thanh chân chất, mộc mạc đã làm nên tuổi thơ của biết bao thế hệ. Giờ đây, giữa cuộc sống hiện đại của “smartphone”, mạng xã hội,.. con người ta lại “thèm” được nghe những tiếng rao của những gánh hàng rong đã nghe quen tai từ thuở nào.

 

Từ tờ mờ sáng cho đến đêm khuya, đâu đâu trên khắp những cung đường dài rộng tới những con ngõ nhỏ và sâu… người ta cũng vẫn được nghe những tiếng rao đủ muôn vàn thanh sắc. Khi khàn khàn, đục đục, khi lại lanh lảnh, trong vắt… chẳng tiếng nào giống tiếng nào, khi vang lên lại góp thêm một nốt nhạc trong bản hòa âm nơi phố thị rộn rã.  

 

Bình minh lên, khi phố phường vẫn còn “ngái ngủ” trong không gian yên bình của nắng ban mai. Những tiếng rao báo dạo: “Báo mới… Báo mới đây... Báo mới ra lò vừa thổi vừa coi đây…” len lỏi vào khắp các ngõ ngách, đường phố như đánh thức cả thành phố thức dậy. Từ chối sao cho được tiếng rao bán báo với những thông tin giật gân, đầy hấp dẫn: “Mời các bạn đón xem, báo An ninh thủ đô, báo An ninh thế giới, một vụ thảm án chấn động dư luận, gà mái đẻ trứng 3 cân, lợn chặt 2 chân vẫn đi lại được,…”.

Những tiếng rao lại càng nhộn nhịp hơn khi những thúng bánh mì nóng hổi, những nàn đồ nghề đánh giày lên đường tràn vào khắp các con phố. Nào là “Bánh mỳ Sài Gòn đặc ruột thơm ngon, 2 ngàn 1 ổ”, nào là “Ai đánh giầy nào. Đánh xi giầy. Khâu giầy khâu dép…” . Những tiếng rao của người già có, trung tuổi có và có cả những đứa con nít miệng vẫn còn ngáp ngắn, ngáp dài ngái ngủ đã xách bộ đồ nghề đánh giầy, những tờ vé số đi bán dạo hòa mình vào dòng người tấp nấp mưu sinh khắp đường nọ quán kia. Tất cả góp thêm một phần: ồn ã và xáo động cho những con phố một buổi sớm. 

 

Những tiếng rao cứ kéo dài, kéo dài mãi, tiếng nọ xô tiếng kia. Sáng rao báo, bánh mỳ, đánh giầy, xổ số,… trưa chiều lại có bán tóc: “Ai tóc dài tóc rối bán đê… Ai tóc dài tóc rối bán lào…”, mài kéo: “Mài dao kéo… dao kéo đây… Mai dao kéo nào…”, và đặc biệt không thế thiếu những gánh hàng rong quà vặt mỗi buổi chiều tà mà bọn trẻ con bám đít mẹ đi chợ lúc nào cũng lũng lịu đòi mua. Đủ thứ bánh trái quà quê mà chỉ cần một tiếng rao hơi thật dài đã có thể liệt kê hết: “Bánh rán bánh giò bánh chưng bánh nếp bánh khoai bánh tiêu đây… Ai rán rợm giầy giò bánh chưng nào”. Mỗi tiếng rao cứ thế ngày qua ngày, cất lên những dấu ấn cho riêng mình theo một cách rất “bản sắc”.

Khác với sự ồn ào, náo nhiệt ban ngày, về đêm mọi thứ dường như lắng xuống, chậm lại. Cả những tiếng rao cũng vậy. Những tiếng rao đêm cho con người ta có một cảm giác chơ vơ, lạc lõng đến lạ. Giữa một buổi đêm tĩnh lặng, những con phố như dài hơn vắng lặng và heo hút. Rong ruổi trên những cung đường mung lung những mảng màu tối sậm, vài ba ánh đèn đường mờ mờ vàng vọt, lập lòe là những chiếc thúng đội đầu, là những chiếc xe đạp cọt kẹt, vang lên tiếng rao như xé tan sự tĩnh mịch của màn đêm: “Xôi lạc bánh khúc đây”,  “Ai bánh bao nóng nào… Bánh bao nóng đây”, “ai khoai nướng, ai ngô luộc đây”,… Những tiếng rao mà nhiều người vẫn nghe nhầm thành: “Tôi là bánh khúc đây”, “Ai đánh tao nào…Tao đang nóng đây”. Thật thú vị và lạ tai!  

Đêm về khuya, tiếng rao cũng nhỏ dần, chìm theo những giấc ngủ mơ màng… Những phận người mòn mỏi trong đêm với gánh hàng rong ẩn sâu vào màn đêm vô tận, chỉ có tiếng rao vang vọng, kéo dài vô tận theo những con đường xa vắng.

Có những tiếng rao vụng về nhưng cần mẫn ngày đêm, có những tiếng rao chân thật như ăn vào máu thịt… Dù nắng hay mưa, ngày hay đêm, ở bất cứ nơi đâu, những tiếng rao được cất lên từ thanh quản nóng ấm nghe sao mà nao lòng đến thế, để người ta phải thương, phải nhớ chẳng muốn rời… 

Chốn thành thị luôn là nơi tụ hội của dân tứ xứ về mưu sinh, kiếm sống. Từ quê lên phố, những người nông dân quen cầy sâu cuốc bẫm, không nghề, không nghiệp mọi thứ đều xa lạ khi chân đất ra phố kiếm ăn. Và bán hàng rong, thu mua đồ đồng nát… là lựa chọn tốt nhất của họ.

Cái nghề “vốn ăn mày, lãi quan viên”, chỉ cần bỏ ra một chút vốn liếng nho nhỏ, lại được tự do tung hoành, thu nhập cũng kha khá. Từ những gánh hàng rong, những xọt phế liệu kia,… đã có biết bao đứa trẻ được nuôi lớn, biết bao người con được học hành đàng hoàng. Lên mặt báo ta vẫn thường thấy Thủ khoa trường nọ, Á khoa trường kia có bố mẹ đi bán đồng nát, đi đánh giầy dạo. Đó cũng là nhờ hàng rong đấy chứ đâu.

Khi gánh nặng mưu sinh càng đè nặng thì những tiếng rao càng da diết, xé lòng. Có những ông lão, bà cụ lưng còng, tóc bạc vẫn oằn lưng đeo túi báo trước ngực, cầm tờ vé số trên tay, tiếng rao quện với tiếng thở hổn hển, tắc nghẹn nơi cuống họng sao ta thấy lòng mình đau như cắt. Mặt mày lấm lem, những đứa trẻ mới đôi mươi cũng lao vào cuộc mưu sinh với bộ đồ nghề đánh giầy loăng quăng hết vỉa hè này đến vỉa hè khác với tiếng rao chất chứa bao hy vọng về một cuộc sống ở tương lai tốt đẹp hơn.

Và trong muôn vàn những tiếng rao muôn màu, muôn vẻ ngoài kia có những tiếng rao đã trở thành “thương hiệu”. Tiếng rao của dân đồng nát: “Ai nhôm đồng, dép rách, sắt vụn, vỏ chai, lông ngan, lông vịt bán đê…” thân thuộc đến mức ai nghe cũng thuộc, ai nghe cũng biết. Tiếng rao khan đặc cổ bền bỉ của những người phụ nữ buôn đồng nát ngày qua ngày vẫn len lỏi vào những con ngõ sâu hun hút. Người ta vẫn thấy những bóng dáng tất tả khi thì 1 đòn gánh 2 quang chành, khi lại trên con xe đạp Thống Nhất cũ, nón đội, khăn che, chằng trước, buộc sau cả một gia tài nào là chai nhựa, xoong thủng, nào là dép rách, sách cũ,… chất cao đến cả đỉnh đầu.

Có lẽ đằng sau mỗi tiếng rao của bà cụ bán báo, của em bé đánh giầy hay của cô đồng nát và còn nhiều những tiếng rao khác nữa là cả một cuộc vật lộn với cuộc sống mưu sinh bấp bênh từng ngày. Nhưng vất vả mưu sinh mà chan chứa cảm xúc.

Tiếng rao cũng thăng trầm như đời người vậy. Mỗi tiếng rao như nặng trĩu những câu chuyện đời, chuyện người. Một số kiếp - một tiếng lòng - một âm điệu. Một phận đời - một thanh âm - một bản sắc. 

 Tuổi thơ của đứa trẻ nào thế hệ 8X, 9X đời đầu nào mà chả có kẹo kéo, kem que,… Cái thời mà 200 đồng, 500 đồng mẹ cho là vui như Tết, tha hồ ăn quà.

Nhớ lắm những tiếng rao kem que “Toe toe toe” của chú bán kem có chiếc xe đạp Thống Nhất cũ kĩ, chằng đằng sau một thùng xốp đựng kem, đi đến đâu xe kêu “toe toe” đến đó. Còn cả chú bán kẹo kéo mà mỗi lần tiếng rao “Ai đổi kẹo đê…”, “kẹo kéo vừa kéo vừa dài, vừa dai vừa ngọt/ chạy tọt về nhà xin bà 5 xu ra mua kẹo kéo…” vang lên là y rằng lũ trẻ lại ùa hết cả ra đường xin đổi kẹo. Ngày ấy chỉ cần vài đồng bạc lẻ, hay chỉ cần một ít mảnh chai vụn là những đứa trẻ như chúng tôi đã có một bữa kẹo kéo hả hê. 

Tuổi thơ của những đứa trẻ cứ lớn lên như vậy. Chẳng cần thứ gì quá to tát, cao sang chỉ cần nhữn tiếng rao mộc mạc gần gũi mà thân thương gọi dậy cả một bầu trời tuổi thơ đầy đủ mùi vị, hương sắc. 

Giữa thời hiện đại, những tiếng rao thời hiện đại, thời công nghệ 4.0 đã khác đi nhiều. Không còn những tiếng ra đặc sệt từ cổ họng, không còn những tiếng rao như xé lòng vang vọng mà thay vào đó là những tiếng rao thu âm, kích loa, âm thanh lớn và chói tai. Còn đâu thương nhớ tiếng rao một thời…

Những tiếng rao của những người bán dạo như một phần hồn cốt làm nên một nét văn hóa rất riêng của chốn thành thị phồn hoa diễm lệ, một nốt nhạc trầm giữa bản nhạc vút cao gợi bao thương nhớ cho người đời. Mai đây, những khu chung cư mọc lên như nấm, những trung tâm thương mại sầm uất kẻ bán người mua. Một nét văn hóa rất Tây, thời thượng và sang trọng. Liệu còn ai nhớ một tiếng rao rất Ta, bình dị mà thân thương? Dẫu sao với những ai đã đi qua và thưởng thức trọn vẹn cái tinh tế của những tiếng rao rất đời sẽ vẫn mãi nhớ và mang theo kí ức suốt đời.

| Thực hiện: Công Bắc