CEO của Ancoric tự nhận startup của mình nằm ngoài con số 30% startup thất bại và 60% "sống dở chết dở", coi những thành tựu tương lai là mục tiêu chưa đạt được.
Gần 10 năm công tác, với đam mê nhiệt huyết và sự tập trung cao độ vào lĩnh vực tổ chức team building, Nguyễn Bá Tùng được bạn bè, đối tác, khách hàng đánh giá là một trong những người tiên phong về lĩnh vực này tại Hà Nội. Khởi nghiệp từ cộng đồng AC, đồng sáng lập công ty AC Pro rồi trải qua công tác tại trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN, năm 2013 anh đã sáng lập Công ty Tư vấn và Huấn luyện Đội ngũ T Plus (nay là Công ty TNHH Ancoric ) với thương hiệu Ancoric, tập trung vào mục tiêu mang đến những chương trình huấn luyện team building giá trị nhất, chuyên nghiệp nhất.
Team building (Xây dựng đội, nhóm) được định nghĩa là một khóa học dựa trên việc xây dựng, thiết kế các trò chơi tập thể khác nhau. Đây là một hoạt động cực kỳ cần thiết cho đại đa số các tổ chức, doanh nghiệp cần có sự phối hợp làm việc của các cá nhân, bộ phận, phòng ban khác nhau. Đặc biệt, nó dành cho các đơn vị mà ở đó thiếu đi sự gắn bó, đoàn kết, hay nảy sinh những mâu thuẫn ngoài mong muốn giữa các thành viên.
Nhờ tính chất cần thiết của dịch vụ cung cấp, thiết kế, tổ chức team building cho các doanh nghiệp, Ancoric của Nguyễn Bá Tùng đã đạt được rất nhiều thành công và đang trên đà phát triển vững mạnh.
Startup vì nhận thấy sứ mệnh cá nhân
Trước khi đi đến quyết định thành lập công ty startup về team building đầu tiên mang tên Ancoric, Nguyễn Bá Tùng đã có dịp trải nghiệm khá nhiều công việc liên quan trong lĩnh vực này. Có lẽ đó là lý do chính khiến anh quyết định thành lập một doanh nghiệp về team building.
Câu chuyện đầu tiên khiến anh bắt đầu bén duyên với team building là vào năm 2005, khi tham gia vào CLB “Học sinh sinh viên rèn luyện kĩ năng qua các trò chơi”, thời điểm đó được gọi là trò chơi kĩ năng. CLB này chuyên tổ chức các trò chơi kĩ năng cho học sinh, sinh viên tại Hà Nội. Anh xin vào đó hoạt động và dần trở thành người phụ trách về nội dung của CLB, từ đó tiếp cận đến chuyên môn của trò chơi kĩ năng, chuyên môn này rất gần với lĩnh vực team building.
Sau đó 3 năm, Nguyễn Bá Tùng tiếp tục tham gia nhóm biên kịch cho một chương trình truyền hình thực tế mang tên “Hà Nội 36 phố phường”. Chương trình này là sự hợp tác của một công ty truyền thông ở Hà Nội và nhà đài. Công việc của anh khi đó là biên kịch nội dung, cụ thể là khảo sát tất cả các địa điểm mà chương trình dự kiến tổ chức, lên lịch trình cuộc chơi dành cho các đội chơi, làm việc với các nhà cung ứng như người dân, cơ sở vật chất để đảm bảo cho cuộc chơi thú vị. Cuộc chơi dựa trên phiên bản team building game theo hành trình, tức là sử dụng những mật thư, mật đồ để di chuyển đến các địa điểm chơi. Nhờ am hiểu kiến thức về văn hóa lịch sử, anh cũng được giao biên tập các câu hỏi cho cuộc thi ở sân khấu của game show. Tất cả các câu hỏi đều gắn với lịch sử, văn hóa, gắn với các nhân vật lịch sử của "Hà Nội 36 phố phường".
Sau khi trải nghiệm rất nhiều các công việc trong lĩnh vực tổ chức hoạt động tập thể, lại sẵn có ước muốn thành lập một doanh nghiệp sau khi ra trường, công ty Ancoric từ đó đã ra đời. Thời điểm ban đầu, Ancoric mới chỉ là một công ty nhỏ xây dựng các đội, nhóm cho doanh nghiệp. Anh Tùng cũng chia sẻ thêm rằng, việc đi đến quyết định thành lập công ty là do anh nhận thấy sứ mệnh của cá nhân mình: “Lý do thành lập vì mình muốn thực hiện sứ mệnh cá nhân là tập trung vào các giải pháp để giúp các đội, nhóm xây dựng các đội ngũ của mình trở nên hiệu quả hơn và đạt hiệu suất cao hơn”.
Trong phần giới thiệu bản thân trên trang web cá nhân và kể cả ngoài đời, Nguyễn Bá Tùng luôn khẳng định “Yêu thương, Sáng tạo và Đam mê” là giá trị của bản thân mình. Anh chia sẻ rằng, bản thân nhận thấy mình là người có năng lực tư duy nội tâm. Đó cũng là 1 trong 8 thể loại năng lực tư duy của mỗi cá nhân. Nguyễn Bá Tùng từng tham gia một số lớp về thiền định và khám phá bản thân, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của chính mình, từ đó anh nhận ra mình có 3 giá trị đó rất nổi bật.
Đầu tiên đó chính là “yêu thương” con người, làm việc với con người có tính nhân văn, tức là các sản phẩm đều hướng tới con người. Anh cũng là một người “sáng tạo”, tự nhận mình có năng lực về sáng tạo nội dung, viết kịch bản, làm nội dung, nhạc, thơ, thông điệp... Ngoài ra, để thành công với một công ty startup thì chắc chắn điều không thể thiếu là sự “đam mê”. Điều này thể hiện sự tập trung vào ngành nghề mình chọn, sứ mệnh mình đã chọn. Dù có nhiều các tác động khiến ta thay đổi thì ta vẫn quyết tâm với con đường mình đã chọn.
Nói về sự nghiệp của bản thân, CEO của Ancoric chia sẻ: “Mỗi chúng ta nên đặt mục tiêu lâu dài và chia nhỏ các mục tiêu đó ra theo từng thời điểm. Khi làm được sẽ cảm thấy có nhiều động lực hơn và có sự cụ thể hơn trong các giai đoạn do mình đặt ra và phấn đấu”.
Ở thời điểm hiện tại đã 35 tuổi, anh cho rằng đó cũng là thời điểm chín muồi trong tư tưởng để hướng đến chuyên môn về một nghề nào đó với mục tiêu đặt ra là làm chủ tất cả các chuyên môn mà mình đang theo đuổi. Hay anh gọi đó là “master”, tức là một chuyên gia về chuyên môn đó. Anh cho rằng 10.000 giờ miệt mài với đam mê về một lĩnh vực thì chúng ta sẽ làm chuyên gia về lĩnh vực đó. Thời điểm hiện tại, sau 11 năm gắn bó với team building, anh Tùng khẳng định bản thân đã là chuyên gia trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, mục tiêu sự nghiệp của Bá Tùng không chỉ là chuyên môn về team building mà còn là mở rộng quy mô hoạt động của công ty Ancoric, mục tiêu về đáp ứng các phúc lợi cho nhân viên, đóng góp cho xã hội, đất nước... Chính vì vậy, trong sự nghiệp của mình, anh cho rằng bản thân đã có mục tiêu đạt được và có mục tiêu vẫn chưa đạt được.
Muốn đứng vững trên thị trường phải đảm bảo giá trị cốt lõi
Giấc mơ của Nguyễn Bá Tùng khi thành lập công ty chính là xây dựng Ancoric thành một tổ hợp cung cấp các giải pháp tổng thể và chuyên sâu về công tác xây dựng đội ngũ cho doanh nghiệp. Ngày nay, có rất nhiều doanh nghiệp ra đời nhằm cung ứng một sản phẩm nào đó cho thị trường là các doanh nghiệp khác, có đơn vị thì cung cấp phần mềm, có đơn vị cung cấp giải pháp, đào tạo, pháp lý..., còn Arconic cung cấp giải pháp về đội ngũ. “Không ai có thể xây dựng doanh nghiệp một mình cả, để xây dựng được thì phải có cả đội ngũ trong tay, đó là nhu cầu lớn của một doanh nghiệp.”, anh Tùng khẳng định.
Mỗi công ty được thành lập nếu muốn đứng vững trên thị trường, điều cần thiết là phải bảo đảm những giá trị cốt lõi đã đặt ra. Với Ancoric, 5 giá trị cốt lõi đó là "Chính trực, Sáng tạo, Tín nhiệm, Hợp tác và Chia sẻ với cộng đồng". Anh Tùng cho biết, đối với Anconic thì trong tương lai dài, những giá trị này sẽ không thay đổi.
Khi được hỏi điều gì đã giúp Ancoric nằm ngoài con số 30% startup thất bại và 60% "sống dở chết dở" theo đánh giá của chính anh, Nguyễn Bá Tùng cho rằng, việc một công ty startup như Ancoric trụ vững suốt 5 năm qua và phát triển như hiện tại nằm ở việc được xây dựng dựa trên nhiều lợi thế về thương hiệu, uy tín cá nhân và các kĩ năng làm marketing của bản thân anh. Ngoài ra thị trường cũng có ít cạnh tranh, các đối tác lại tin cậy, ủng hộ nhiều từ những ngày đầu mở công ty. “Khi mà có đối tác, khách hàng ủng hộ, tin cậy, khi mà việc quản lý chi phí nó không có quá nhiều thách thức, việc sản xuất dễ dàng thuận lợi, đầu vào và ra thuận lợi thì không có thời điểm nào là khó khăn.”, CEO của Ancoric cho hay.
Anh cũng chia sẻ thêm, thời điểm trước khi vận hành công ty, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh gần như rất bận bịu. Tuy nhiên, hiện tại, nhờ sự phát triển vững mạnh của Ancoric, anh có thể cho công ty tự vận hành cả tháng mà không cần động tay chân. Cũng vì thế, anh Tùng có nhiều thời gian rảnh cho gia đình và bản thân mình hơn.
Quan điểm của anh về khởi nghiệp là “Hãy mạnh mẽ dấn thân, đừng do dự quá mức, tính toán quá mức, vì bạn không thể tính toán hết được, hãy tiến lên với thần thái tích cực và chủ động”. Theo anh, tư duy tích cực tức là trong khó khăn nào thì cũng phải nhìn thấy tín hiệu tích cực, còn chủ động ở đây là thiếu gì thì học hỏi, chủ động quan sát để có được. Đó chính là 2 điều quan trọng mà CEO của Ancoric cho rằng sẽ giúp bạn trẻ có thể nuôi dưỡng niềm tin thành công.
| Eo Xi