Chẳng phải là nhóm nhạc được đào tạo bài bản, lăng xê chuyên nghiệp, “Ngọt” là tập hợp những chàng trai vừa bước qua tuổi 20, gần chạm ngõ 25, đầu óc lơ mơ, tâm hồn bay bổng, nhân sinh quan vô cùng khác biệt và có gì đó đúng chất nghệ sĩ undergound.
Ngọt đến với âm nhạc như một cái duyên, chẳng hề có sự nung nấu ý định từ trước. Hoàng được mẹ cho đi học đàn chỉ vì lý do con mình cũng phải đi học một môn năng khiếu như con hàng xóm. Nam Anh làm quen với trống bằng việc tham gia đội trống ở trường. Tuấn tập đàn, đơn giản chỉ là nghịch. Thắng thì “amateur” hơn, thấy anh trai học đàn, Thắng cũng học đàn. Thấy anh trai lập ban nhạc, Thắng cũng lập ban nhạc. Bùm! Một ban nhạc Indie ra đời theo cách đấy…
Thế nên nhiều người thường nói Ngọt là những viên đường từ trên trời rơi xuống, cái gì cũng làm theo bản năng, không cần bài bản. Nếu nhiều nghệ sĩ đều tìm cho mình một định nghĩa âm nhạc riêng như Sơn Tùng M-TP cùng sự nổi loạn hay Dalab với dòng nhạc rap bắt tai thì Ngọt lại không như vậy, bởi với họ ” Âm nhạc thì là âm nhạc thôi, chứ bọn tôi không có định nghĩa cụ thể. Cứ cầm đàn lên và sáng tác cùng tâm hồn là được rồi mà.”
Chẳng hề kém cạnh showbiz chính thống, giới underground cũng là nơi hội tụ của nhiều tài năng và tất nhiên, cả thị phi. Dù ít hay nhiều, thành công của một nhóm nhạc cũng ẩn chứa sự đe doạ dành cho các đàn anh. Tôi từng nghe một cô bạn làm trong ngành truyền thông nhiều năm nói, “Nghệ sĩ nào muốn giữ được vị trí riêng trong giới chắc chắn phải ghê, có máu mặt phết đấy!”. Thế nhưng khi trò chuyện cùng các thành viên của Ngọt, tôi chẳng cảm nhận được cái “ghê” mà một nhóm nhạc cần có, thay vào đó là cái “nghệ” rất đúng bản chất của Ngọt.
Ngọt band đã bao giờ cãi nhau to chưa?
“Được cái là cả nhóm chưa bao giờ cãi nhau rùm beng cả (Cười). Cũng có tranh luận nhưng chỉ vài phút là mọi chuyện sẽ được 4 anh em cùng giải quyết, và thế là lại bình thường.”
Là một nhóm nhạc có tuổi đời còn khá trẻ, lại không có “chỗ dựa” trong giới, chắc hẳn nhóm cũng gặp rất nhiều khó khăn?
“Thực ra Ngọt xưa nay luôn tự làm mọi việc nên ban nhạc cũng đã quen với cảnh lúc nào cũng khó khăn rồi, lâu dần thành quen và thấy nó...không còn là khó khăn nữa. "Em dạo này" ra đời và đã được nhóm biểu diễn từ năm 2015, nhưng phải đến 2017 mới thu âm và phát hành. Về cơ bản thì sau khi ca khúc được trình diễn lần đầu vào 2015, nhóm vẫn đi biểu diễn ở những buổi biểu diễn quy mô nhỏ.
“Phải đến tháng 9/2017, sau liveshow Ng`bthg, nhóm mới bắt đầu có nhiều những buổi biểu diễn quy mô lớn. Trong suốt thời gian hoạt động từ đầu 2014 tới nay, nhóm vẫn xoay quanh công việc sáng tác, thu âm, biểu diễn. Điều nhóm quan tâm nhất là làm thế nào để các sản phẩm âm nhạc của mình được hoàn thiện nhất có thể. Còn những thị phi, chuyện xung quanh có hay không không quan trọng”.
Chắc chỉ có mỗi Ngọt Band mới không màng tới chuyện giữ chỗ đứng trong làng nhạc như vậy. Chẳng tham gia các cuộc thi lớn để “đánh bóng” tên tuổi, cũng không tạo chiêu trò hay đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe về việc biểu diễn ở đâu, cat-xe như nào. Cứ ở đâu có Kẹo (Tên fandom của nhóm) là ở đấy có Ngọt.
Lắng nghe câu chuyện về cách làm việc của Ngọt, hẳn ai cũng thấy đây là một band nhạc mang phong thái underground điển hình. Không quan tâm đến danh tiếng, chỉ để ý đến âm nhạc. Nhiều người dị nghị họ là nghệ sĩ mà không biết giữ hình ảnh, ăn nói bộp chộp. Nhưng tôi lại nghĩ chính cái ngông rất đời ấy lại giúp Ngọt có được chỗ đứng riêng trong lòng khán giả. Và tôi cũng không nghĩ họ là những người thiếu suy nghĩ. Bởi nếu vậy thì chắc chắn sẽ không thể có những bài hát mang đậm tính nhân văn như “Cá hồi”, “Không làm gì”.
Vậy nên dù underground có bao nhiêu thị phi, thì Ngọt band vẫn cất lên những câu hát :
“Lại mà nghe bài hát cho em, xin đừng trách anh không hát hay, đừng trách anh không khéo tay chơi đàn vì thật ra lâu không hát cho em, lâu không hát cho hai chúng ta, những thứ không ai nói ra anh sợ quên.”
Nhiều người dành cho Ngọt danh hiệu “band nhạc của sinh viên” không chỉ bởi thành viên của nhóm đều nằm ở độ tuổi 9x, biết cách hát đúng nỗi lòng của sinh viên mà còn ở cách làm việc của nhóm.
Ngọt như một nhóm nhạc sinh viên điển hình, mấy anh em tụ tập lại với nhau, cùng sáng tác, tự phối khí rồi lại rủ nhau đến những quán cafe hát hò, tất cả đều rất tự nhiên. Nhưng, chính sự tự nhiên ấy lại khiến công chúng có cái nhìn ngờ vực về nhóm, về sự chuyên nghiệp mà một nhóm nhạc cần có để tiến xa hơn. Trước khi nói chuyện cùng Ngọt, chính bản thân tôi cũng nghi ngờ điều đó.
Nhiều người nhận xét Ngọt band chưa có sự chuyên nghiệp, bài bản mà mang tính bản năng, tự phát. Nhóm nghĩ gì về điều này?
“Tuỳ vào thước đo thế nào là "chuyên nghiệp, bài bản". Rõ ràng nếu so với các ban nhạc lớn, được đầu tư kĩ càng trên thế giới thì Việt Nam chưa chắc đã có nghệ sĩ nào đạt chuẩn. Còn về mặt công việc, ban nhạc trước nay chưa bao giờ gặp vấn đề khi làm việc với các đơn vị tổ chức hay sản xuất nên về tác phong, chắc chắn Ngọt luôn đảm bảo sự chuyên nghiệp cao nhất.”
Tôi giật mình khi nghe câu trả lời từ những chàng trai “phớt đời” ấy. Họ chia sẻ rằng có thể trong cuộc sống hàng ngày nhóm không “chuyên nghiệp”, nhưng khi đã làm nhạc, đã mang tiếng hát đến với công chúng, thì sản phẩm ấy phải thực sự chỉn chu. Ngọt khẳng định rằng cả nhóm chưa bao giờ làm mất đi sự chuyên nghiệp trong
“Ngọt cho rằng chất lượng âm nhạc là điều ban nhạc luôn quan tâm hàng đầu và chính sự "bản năng" như mọi người nhận xét là yếu tố làm nên âm nhạc của nhóm. Đôi khi, nhóm lại sợ rằng những sự can thiệp từ bên ngoài có thể làm ảnh hưởng tới việc làm nhạc của nhóm. Nói vậy không có nghĩa là Ngọt đóng cửa. Nhóm luôn sẵn sàng đón nhận những sự hợp tác hay giúp đỡ từ các nghệ sĩ hay nhà sản xuất khác, miễn là 2 bên đạt được sự đồng thuận.”
Lời giãi bày của nhóm có vẻ như đã phần nào giải đáp được thắc mắc, định kiến bấy lâu nay của mọi người, của tôi dành cho nhóm. Đúng là Ngọt làm việc theo bản năng, sống với cái tôi riêng biệt nhưng họ cũng là những nghệ sĩ có tâm, có tầm, sẵn sàng phát triển để mang đến cho khán giả sản phẩm tốt nhất. “Nhóm cũng có dự định tham gia vào một công ty nào đó để được hỗ trợ nhiều hơn về mặt kỹ thuật, media, nhưng hiện tại vẫn chưa tìm được để nghị thích hợp nào.”
Và Ngọt đã khẳng định được những gì mình nói là đúng. Tính đến thời điểm này, nhóm không chỉ là một thần tượng của đại đa số sinh viên trên cả nước mà còn đạt được vô số thành tựu, điều mà chưa chắc các nhóm nhạc được đào tạo bài bản, có đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp đã đạt được.
Khi đã thành công, nhiều nghệ sĩ thường nghĩ ngay đến chuyện “nam tiến”, bởi xét cho cùng, Sài Gòn vẫn là mảnh đất thích hợp nhất dành cho các ca sĩ. Tuy nhiên, các thành viên lại không cho rằng “Nam tiến” là lựa chọn duy nhất của những người yêu làm nhạc “ Ngọt vẫn thường xuyên có những buổi biểu diễn tại TP HCM. Hiện các thành viên đều có công việc tại Hà Nội khi 3 trên 4 người vẫn đang học đại học, 1 thì đã có gia đình và định cư tại Hà Nội. Nhóm không hướng tới việc phải chạy show, mà nhóm chỉ chọn những show diễn thích hợp. Chính vì thế, việc nam tiến hay không cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến Ngọt cũng như các sản phẩm của nhóm.”
Tôi còn nhớ trong La La Land có một câu thoại: “Tôi không quan tâm đến nơi mình sẽ đi là đâu, bởi thứ duy nhất tôi cần chính là cảm giác điên cuồng này.” Có lẽ Ngọt band cũng là như vậy, chẳng cần phải sân si, đấu đá nhau, chẳng cần phải dấn thân vào những nơi xô bồ, nhóm nhạc 4 chàng trai ấy vẫn làm nhạc, vẫn hát: “Hát cho những đêm đông khó khăn/ em đến bên ai đắp chăn mà ngủ quên.” Và sắp tới đây, những chàng trai ấy lại tiếp tục chiêu đãi khán giả với album thứ 3 sau hai album thành công trước đó.