TIN SỰ KIỆN

Sơn Isn’t Blogging: “Mạng xã hội là một nồi lẩu tạp phí lù. Tôi là một người chia sẻ, một Blogger, không phải là một nhà giáo"

Đỗ Đức Sơn, hay cái tên quen thuộc Sơn Isn’t Blogging có thể đã quá “quen mặt” với nhiều bạn trẻ đang sử dụng mạng xã hội Facebook. Mọi vấn đề của cuộc sống từ thị phi showbiz, Tiếng Anh, review phim ảnh, du học,… được Sơn nhắc đến trong blog luôn thu hút nhiều luồng ý kiến trái chiều lớn. Đồng tình có, phản đối cũng không ít nhưng sức hút từ suy nghĩ thẳng, thật, cá tính, logic và cũng rất lý sự của anh chàng blogger này mới là điều khiến blog có sự ảnh hưởng lớn như hiện nay.

Sơn cũng chia sẻ rằng“Từ khi mở blog cho tới hiện tại thì mục đích thành lập Blog cá nhân của Sơn đơn giản chỉ là để mình chia sẻ những gì mình nghĩ về các sự vật, sự việc xung quanh trong xã hội ở nhiều mảng khác nhau mà mình quan tâm như giải trí, giáo dục hay lối sống.  Blog của mình bắt đầu nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng kể từ một số bài viết mang tính gây tranh cãi cao như là bài mình viết về bé Linh Ka hoặc về việc thi THPT quốc gia.”

Qua blog, có thể thấy niềm tự hào đặc biệt của bạn với trường THPT, chắc chắn đây là ngôi trường để lại cho bạn nhiều kỉ niệm đẹp nhất?

Đúng là như vậy. Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chính là nơi đã giúp mình có được những nét tính cách của ngày hôm nay, từ một người luôn cảm thấy bản thân nhỏ bé và không đủ khả năng, tới một Sơn Isn’t Blogging không ngại nói ra những điều mà cậu ấy nghĩ, hoặc cho là đúng, mặc dù ý kiến đó có được ủng hộ bởi số đông hay không.  

Có thể đọc được trên Blog rằng Sơn đã quyết định nghỉ học ngay từ năm nhất. Đây là quyết định quyết định do bạn lựa chọn hay nhận được cả sự ủng hộ từ phía phụ huynh?

Đây hoàn toàn là quyết định do chính mình lựa chọn. Gia đình mình chưa bao giờ đồng ý cho mình bảo lưu giữa chừng chứ đừng nói là bỏ học. Nhưng mình thì kiên quyết khẳng định rằng mình biết bản thân có gì, cần gì và muốn gì ở thời điểm đó nên mình đã đưa quyết định đó là nghỉ học hẳn để theo đuổi những gì là thế mạnh của mình, cũng như để va vấp với xã hội, với những môi trường làm việc khác sớm hơn các bạn bằng tuổi.

Công việc hiện tại của Sơn đang làm là gì? Có vẻ như bạn là kiểu người ôm đồm rất nhiều công việc?

Hiện tại mình đang là Marketing Manager cho một Trung tâm tư vấn du học và Công nghệ giáo dục, đó là công việc ổn định toàn thời gian của mình. Ngoài ra mình còn là một Freelance Blogger. Ban đầu viết Blog chỉ là sở thích, nhưng kể từ khi mình có được nguồn thu nhập phụ từ trang Blog cá nhân thì mình đã nghiêm túc coi đây là một nghề và cũng có ý định đầu tư phát triển nó lâu dài.

Và đúng, mình là người ôm đồm khá nhiều công việc bởi vì mình thích làm việc hơn là ngồi không. Ngoài 2 công việc trên thì mình còn đang chuẩn bị cho một vài dự án cá nhân sẽ ra mắt trong dịp cuối năm, mà gần nhất sẽ là cuốn sách đầu tay, một mơ ước của mình từ khi còn đi học.

Cho đến hiện tại, có bao giờ bạn từng nuối tiếc vì quyết định đi làm thay đi học của mình không?

Mình được cái trộm vía tính tình khá là quyết đoán, bởi vậy một khi mình đã quyết định làm việc gì thì mình sẽ không bao giờ hối hận hay nuối tiếc về nó cả. Tại sao phải tiếc khi mà đi làm cũng có cái hay của đi làm, và đi học cũng vậy? Nếu như đi học, bạn có được nhiều mối quan hệ ý nghĩa như bạn bè, thầy cô, các anh chị khóa trên, đàn em khóa dưới và hàng loạt kinh nghiệm tổ chức sự kiện, hoạt động ngoại khóa, thì khi đi làm, những gì bạn có sẽ là trải nghiệm trong môi trường thực tế, nơi bạn được trả lương để làm việc, tạo giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng dựa trên năng lực của bản thân.

Đi làm, bạn không có bạn bè đúng nghĩa như khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng bạn sẽ có “network” với những người có cùng đam mê, sở thích, hoặc mục tiêu và cả những người giỏi hơn bạn, họ đều là những tài nguyên để bạn khai thác cho con đường sự nghiệp trong tương lai. Đi làm hay đi học suy cho cùng cũng chỉ là một trong nhiều tỉ lựa chọn trên cuộc đời, cũng giống như việc trên bàn có 1 quả cam và 1 quả chuối, và bạn sẽ chọn ăn loại trái cây mà bạn thích. Vậy thôi.

 

Blog của Sơn gây ấn tượng đầu tiên chính là cách nói chuyện của cậu bạn khá “đặc biệt”. Có thể khẳng định rằng, văn phong của blog không phải là thứ dễ đọc, dễ ngấm nếu như bạn là một người gương mẫu và muốn mọi thứ thật NORMAL. Thứ văn phong không hề trau chuốt này có thể được nhìn nhận ở một khía cạnh tích cực hơn rằng:“Một người không trau chuốt ngôn ngữ, thường là người có xu hướng nói những điều mà họ cho là sự thật. Đó là những điều thể hiện cái họ nghĩ.” (GS. David Stilwell- ĐH Cambridge).

Khá nhiều người cho rằng ngôn ngữ Sơn sử dụng trên blog “có vấn đề”, có thể ảnh hưởng không tốt đến số lượng lớn cư dân mạng theo dõi Sơn Isn't Blogging. Bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Điều đó đúng. Bản thân mình nhiều khi đọc lại những nội dung mà mình viết còn thấy ngượng nữa là người khác. Nhưng mình cứ kệ và sửa dần thôi. Vì mình đâu có thể ở mãi dưới tư tưởng của một đứa trẻ 18 tuổi được, mình cũng phải lớn và sẽ có nhiều thứ phải thay đổi thuận theo số tuổi chứ. Có những lúc “vấn đề” như vậy thì mới có Sơn của một phiên bản trưởng thành và nghiêm túc hơn trong tương lai. Không có quá khứ thì làm có hiện tại? Hãy để yên như vậy và theo dõi cả 1 quá trình phát triển chứ đừng dừng lại ở việc bài xích cá tính của một người.

Còn về việc “ảnh hưởng” thì mình cũng xin chia sẻ thật lòng là mạng xã hội là một nồi lẩu tạp phí lù, mỗi cá nhân là một cá tính và một cách hành xử riêng biệt không ai giống ai. Đừng quên ai cũng có quyền chia sẻ và sống theo cách mà họ muốn.

Vậy nên chi bằng cái thời gian các bạn sợ sệt rằng việc mình dùng ngôn ngữ tục tĩu có nguy cơ gây ra ảnh hưởng xấu tới mọi người thì hãy dùng nó để tự xây nên cho mình một rào cản nhận thức rằng cái gì nên tiếp xúc, và cái gì không. Vả lại, mình là một người chia sẻ, một Blogger, không phải là một nhà giáo nên mình càng không chịu trách nhiệm về việc giáo dục của một, hay nhiều người lạ mặt. Nên mình nghĩ đến đây là bạn đã có câu trả lời cho mình rồi.

Có những nhận xét Sơn quá thẳng thắn và thường có những phản ứng khá gay gắt khi viết blog? Bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Đơn giản chỉ là cá tính riêng. Hơn nữa, từ bao giờ “thẳng thắn” lại trở thành một “vấn đề” vậy? Mình nghĩ thẳng thắn luôn luôn tốt, chỉ là người thể hiện ra tính cách đó cần một số những tiết chế nhất định trong thái độ để không làm tổn thương người đối diện.

Mình thẳng thắn nhưng không vô duyên, vậy là được rồi. Còn gay gắt, thì chắc cái này thuộc về tư duy. Mình không thích những gì lưng chừng và nửa vời. 50 – 50 chưa bao giờ là con số đủ để làm nên chuyện. Bởi vậy mình chọn gay gắt với mọi thứ để có những trải nghiệm cảm xúc phong phú hơn.

Trước sự việc một nữ sinh tố anh rể bạo hành hồi cuối tháng 5, bạn là một trong số những blogger đầu tiên đứng lên và kiên trì đến tận cuối cùng kêu gọi cộng đồng mạng bảo vệ Dung. Nhưng với kết quả sự việc, bạn có chút nào hụt hẫng?

Tại sao lại phải hụt hẫng trong khi em Dung đã rất an toàn do thỏa thuận thành công với bố mẹ rằng em sẽ được tách ra khỏi ông ảnh rể, chuyển tới một nơi ở an toàn hơn? Tất cả những người tham gia sự việc mà có thành ý thực sự thì họ chỉ quan tâm tới chủ thể câu chuyện là Dung thôi, vì cô bé đang ở trong tuổi vị thành niên và cần nhận được sự quan tâm. Dung ổn, nghĩa là sự việc đã xong xuôi, không còn gì phải lấn cấn nữa.

Tuổi trẻ của mỗi người cũng có những khoảnh khắc lột xác, tích tụ để xòe cánh như một chú bướm mạnh mẽ. Như một lẽ dĩ nhiên, có vấp ngã mới có đau đớn để trưởng thành. Cũng không có gì là tồn tại mãi mãi, dẫu tích cực hay tiêu cực. Vậy nên, Đỗ Đức Sơn cũng nói rằng mình không có hối tiếc gì khi từng mắc sai lầm hay chịu một cú vấp ngã để TRƯỞNG THÀNH.

Có một người đã định nghĩa tuổi trẻ rằng “Although youth can be beautiful, it can be short and wander off - Mặc dù tuổi trẻ là một điều gì đó rất đẹp đẽ, thế nhưng nó lại quá ngắn ngủi và có thể khiến bạn dễ dàng đi chệch hướng”. Sơn là một người trẻ, ắt hẳn bạn cũng có lúc đi chệch con đường mà mình đã chọn?

Đúng thế, mình đã từng hướng bản thân đi lệch một lần. Nhưng mình không hề cảm thấy tiếc nuối hay hối hận về những lựa chọn sai lầm đó vì đơn giản, mỗi kỉ niệm đi qua sẽ kèm theo đó một, hoặc nhiều bài học giá trị. Tương lai bạn sẽ vô cùng căng thẳng nếu như chỉ nhìn vào kết quả của sự việc đi trước, đó là sự thất bại.

Nhưng cuộc đời luôn cho con người nhiều sự lựa chọn. Bạn có thể chọn nhìn vào những mặt tích cực và thu về cho mình những bài học để có được một tương lai đẹp, và lăn đúng đường ray hơn. Tuổi trẻ chỉ ngắn khi nó được định đoạt bằng một con số. Còn mình sẽ thấy tuổi trẻ rất dài khi tinh thần của mình lúc nào cũng trong trạng thái luôn muốn khám phá và trải nghiệm những gì mới mẻ.

Hơn nữa, đừng sợ đi chệch hướng. Đời người phải chệch một, hai hoặc thậm chí năm lần thì mới có được cái tương lai mà mình hằng mong ước. Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? Có ai ung dung tiến tới tuổi 70 khi mà chưa bước qua ngưỡng 18? 

 Một vài dự định mà bạn muốn thực hiện trong thời gian tới là gì?

Dự định gần nhất chắc là mình sẽ hoàn thành bản thảo của cuốn sách đang viết dang dở và sau đó gửi lại cho bên xuất bản, rồi cho ra mắt ấn phẩm đầu tay. Ngoài ra mình còn đang ấp ủ lập một trang Blog về hướng nghiệp cho các bạn trẻ và một trang Blog về ẩm thực đặc trưng của Hà Nội. Đây đều là 2 lĩnh vực mà mình thích và cực kì tâm huyết. Tạm thời từ giờ đến cuối năm cứ như vậy đã, rồi sang 2019 có gì mới thì nó sẽ tự đến thôi và lúc đó nếu có cơ hội thì mình sẽ tiếp tục chia sẻ với We25.

Nhiều bạn trẻ có thể tìm kiếm được khá nhiều kinh nghiệm học tiếng Anh hay ho từ blog của Sơn. Với những độc giả của We25, Sơn có thể chia sẻ quá trình học tập ngôn ngữ này của bạn và một vài mẹo hữu ích cho những ai còn chật vật với thứ tiếng này không?

Quá trình mình học tiếng Anh rất đơn giản, đấy chỉ là HỌC mà thôi. Nếu bạn muốn “ăn xổi” kiểu như nói được vài câu giao tiếp hay đạt 6.5 IELTS trong vòng 6 tháng, thì có thể sử dụng các tips và tricks mà các trung tâm đưa cho. Nhưng bạn biết đấy, cái gì đến nhanh thì đi cũng nhanh. 6.5 IELTS không đồng nghĩa với việc bạn giỏi tiếng Anh, hay thậm chí là 7 hay 7.5. Tiếng Anh là một ngôn ngữ, mà ngôn ngữ thì luôn đi song song với văn hóa.

Bởi vậy để giỏi được tiếng Anh, hay ít nhất là sử dụng ngôn ngữ này một cách thành thạo, việc bạn cần làm đầu tiên đấy là yêu nó. Chỉ có yêu, chỉ có thích thì mới sản sinh ra sự kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng, còn nếu nhìn vào 1 dòng tiếng Anh mà vẫn thấy khó chịu hay sợ hãi thì lúc đó bạn vẫn sẽ dốt. Đến bao giờ bạn gặp một văn bản hoàn toàn mới và cảm xúc hiện lên đầu tiên trong bạn là sự háo hức tìm hiểu và chinh phục ý nghĩa đằng sau đoạn văn bản ấy thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn sắp giỏi tiếng Anh.

Mất căn bản thì học lại căn bản, chứ chẳng có cách hay mẹo nào cả. Học xong căn bản thì học đến phát âm. Ngữ pháp và phát âm là nền tảng giúp bạn thành thạo, tự tin với tiếng Anh khi học lên cao hơn. Sau đó hãy tiến tới học từng kĩ năng, hoặc tích hợp các kĩ năng lại bằng cách ôn thi IELTS, TOEFL, hay đơn giản chỉ là tự mình đào sâu những gì mà mình thấy thích.

Một lời khuyên rất hiệu quả khi học tiếng Anh đó là hãy học qua SỞ THÍCH. Mình chắc chắn không ai muốn dành hàng giờ đồng hồ đọc những văn bản tiếng Anh dài ngoằng về lượng tử và chính trị cả. Nhưng nếu văn bản đấy là một mẩu truyện ngắn được trích từ Harry Potter, thì kết quả sẽ khác.

Tương tự với kĩ năng nghe. Ban đầu hãy nghe nhạc, đến từ các ca sĩ hoặc những band mà bạn yêu thích. Lần đầu tiên nghe thì vừa nghe vừa đọc lời, các lần sau vừa nghe vừa tự đoán lời, có thể vừa nghe vừa hát theo để luyện luôn phát âm. Nghe xong nhạc thì đến nghe đài. Đừng nghe bản tin thời sự, hãy nghe những bài nói truyền cảm hứng trên TED các podcast thú vị từ nhiều Blogger, tác giả trên thế giới, bạn sẽ có hứng thú hơn rất nhiều.

Nghe xong đài thì đến xem phim không phụ đề. Còn kĩ năng nói, hãy thử nói một mình, bắt chước bản thân là người nổi tiếng đang diễn lại một bài speech nào đó, hoặc có thể sử dụng một vài app trên điện thoại để hỗ trợ việc phát âm. Còn kĩ năng viết thì mình khuyên chân thành là nên đi học. Viết là kĩ năng khó nhất và cũng là kĩ năng khó để trở nên giỏi nhất trong tiếng Anh.

Cảm ơn Sơn rất nhiều, chúc bạn thành công hơn nữa trên con đường mình đã chọn!

Thực hiện: Hằng Trịnh - Thanh Huyền