Như một quy luật bất thành văn, một giao ước ngầm trong mỗi gia đình Việt bao đời nay chuyển dọn dẹp, sắm sửa, bếp lúc mỗi khi Tết về hay ngày thường luôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của người vợ, người mẹ. Ấy thế mà cánh mày râu mấy ngày Tết đại đa đều tự cho mình các trọng trách “vĩ đại” của một trụ cột trong nhà là đi “đối ngoại” trên bàn nhậu. Chuyện xưa là thế nhưng nay đã khác nhiều…
Là phụ nữ Việt ai mà chẳng sợ Tết đúng không cả nhà? Cái trọng trách lớn lao thực hiện thiên chức “vợ hiền dâu đảm” trở thành gánh nặng triền miên cho chị em vào cái dịp “cả năm có một lần”. Cái định nghĩa “nghỉ Tết” chưa bao giờ trở nên xa xỉ với chị em đến như vậy? Tết về, được nghỉ việc cơ quan là sấp mặt chạy đôn chạy đáo lo sắm Tết, dọn dẹp, nấu nướng đủ thứ chuyện phải lo.
Nhắc đến đây mới nhớ đến một bài viết của nhà văn Trang Hạ với tiêu đề “Tết là dịp để đàn ông vô tâm”, có đoạn chị viết: “Bạn chỉ cần đi ra cái chợ nhỏ đầu ngõ, hỏi các chị bán rau, bán thịt, dù già hay trẻ, rằng các chị đang ăn một cái Tết như thế nào, thì hết thảy bạn đều nhận được câu trả lời giống nhau: khổ nhục… Tết của hôm nay cũng chẳng khác gì Tết của trăm năm trước. Vẫn gánh nặng mâm cỗ, vẫn ám ảnh thức ăn, để chứng minh cho sự đảm đang của người phụ nữ, cũng như sự tử tế của họ đối với chồng và với xã hội. Những người chồng xem điều ấy là bình thường. Là việc phải làm. Thật đáng sợ".
Một thực tế như đã trở thành một lệ bất thành văn mỗi dịp Tết đến, người phụ nữ phải tất bật với đủ thứ việc không tên như cúng bái, làm cỗ, trang trí, dọn dẹp nhà cửa trong khi đàn ông chỉ việc ngồi chơi xơi nước, thảnh thơi ngồi mâm trên chúc tụng, uống rượu, đánh cờ... Nhiều người chứng kiến cũng phải “thốt” lên rằng sao đàn ông Việt Nam vô tâm thế!
Tết luôn là nỗi sợ vô hình với những chị em đi làm dâu, đã lấy chồng, càng bộn bề bao sự phải lo toan, bao áp lực công việc nhà cửa đổ dồn.
Tết nghĩa là… dọn dẹp.
Nếu đàn ông chờ đến Tết để đi chơi, thăm thú, chúc tụng, bù khú thì đối với chị em phụ nữ Tết nghĩa là chuẩn bị dọn dẹp từ trước Tết, trong Tết đến sau Tết. Trước Tết, nhà cửa cần sắp đặt, bỏ đi những thứ cũ kĩ, mua sắm thêm đồ mới, lôi bát đĩa ra rửa. Lau rửa mọi thứ gọn gàng từ trong nhà ra ngoài ngõ như một cách để tiễn năm cũ. Trong Tết thì dọn dẹp trong những bữa nhậu của họ hàng, bạn bè. Ngoài Tết thì dọn dẹp tàn tích của Tết để lại.
Tết nghĩa là… nấu nướng
Không tự nhiên mà người ta gọi là Ăn Tết. Tuy nhiều năm gần đây, việc ăn Tết đã có phần giản tiện, nhưng chị em phụ nữ cũng chẳng bao giờ được ngơi tay. Những bữa cỗ ngày Tết với đủ mọi món, mâm cơm cúng giao thừa, các ngày đầu năm rồi lễ hóa vàng. Nếu ngày thường lo đủ từng ấy bữa trong ngày đã là vất vả, thì những ngày Tết, công việc nấu nướng còn tăng lên gấp bội.
Tết nghĩa là… bộn bề mua sắm.
Những người phụ nữ đã có gia đình, vốn ngày thường đã rất nhiều lo toan, nhưng đến dịp Tết, nỗi lo lại càng nhiều thêm. Tết này phải mua sắm những gì để chuẩn bị nấu nướng, mua quà Tết gì cho bên nội bên ngoại,…Lo sắm sửa quần áo, đồ dùng mới cho các con, cho chồng...
Trong khi chị em bị “hành xác” bởi bao thứ việc không tên ngày Tết là lúc cánh đàn ông được dịp hưởng thụ theo đúng nghĩa. Tết là bao thứ tiệc tùng là cơ hội để thể hiện bản lĩnh đàn ông qua từng chén rượu. Chẳng sai khi nói bản lĩnh đàn ông được đo bằng số chén rượu nhiều hay ít. Đàn ông vui sướng bú khú say xỉn trên bàn nhậu – đàn bà tối mặt triền miên trong việc nhà. Ấy là một nghịch lý nên chăng cũng cần phải thay đổi nhanh chóng?
Cuộc sống hôn nhân đối với nhiều người là một mối quan hệ đặc biệt, không dễ gì để có thể phá vỡ. Nhiều người từng ví cuộc hôn nhân của người phụ nữ với đàn ông giống như là trò chơi bập bênh, khó mà ở trạng thái cân bằng mãi mãi được. Sự cân bằng cuộc sống hôn nhân đôi khi chỉ diễn ra trong tích tắc ở một thời điểm nhất định. Thế nhưng khi một trong hai chủ động trong việc cân bằng cũng là lúc để cuộc sống hôn nhân trở nên hạnh phúc và thực sự là sự sẻ chia giữa người chồng và người vợ.
Sống trong xã hội khi mà văn hóa tiếp nhận thông tin văn minh, tích cực thực sự là rất dễ dàng. Đây cũng là lúc để người chồng, người đàn ông thay đổi bản thân để cùng người vợ xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ấy là khi chị em phụ nữ được giải phóng ra khỏi triền miên việc nhà trong những ngày Tết. Với người phụ nữ, chẳng cần người chồng của mình phải xắn tay làm trọn vẹn mọi công việc bếp núc, trang hoàng nhà cửa, sắm sửa cho ngày Tết, chỉ cần những lời động viên, hỏi han, phụ giúp công việc cũng đủ để khiến chị em thấy Tết trở nên nhẹ nhàng hơn trước kia rất nhiều.
Tết này, chồng uống bớt một chén rượu, về sớm hơn trong những cuộc nhậu lu bù để về nhà cùng vợ trang trí lại nhà cửa, cùng vợ vào bếp nấu những món ăn thật ngon cho mâm cơm gia đình ngày Tết. Thế thôi cũng là món quà tuyệt vời nhất, mang đến một cái Tết tuyệt vời nhất cho người phụ nữ.
Ai đó đã từng nói rằng “Đàn ông khi họ yêu thương vợ thật lòng, họ sẽ cảm thấy xót khi vợ phải làm quá nhiều việc. Vậy nên, nói thương vợ mà việc nhà không làm thì cũng chỉ là… nói phét”. Cuộc sống hiện đại ngày hôm nay, cũng chính là lúc để người đàn ông chứng tỏ mình là chỗ dựa lớn nhất cho những người phụ nữ. Thay vì để sợ suốt ngày cắm mặt vào bếp núc, cánh mày râu nên thưởng cho vợ mình cả năm đã vất vả chăm sóc gia đình bằng việc đưa vợ đi làm đẹp, mua sắm. Đây cũng là lúc những người phụ nữ có được khoảng thời gian hiếm hoi dành riêng cho mình. Sẽ chẳng còn gì tuyệt vời hơn với chị em là khi được chồng mình dẫn đi làm một bộ tóc mới đón Tết, mua một chiếc váy mới diện Tết.
Những người phụ nữ đồng hành với ta đi suốt cuộc đời chỉ có thể là vợ. Tết này hãy để vợ của mình có được một cái Tết thực sự nhẹ nhàng và hưởng thụ trọn vẹn những yêu thương, chăm sóc mà vốn có họ xứng đáng được nhận trong ngày Tết.
Có một nhà sử học đã từng nói rằng: "Căn nguyên mộc mạc, thô phác và bao trùm của Tết cổ truyền là sự sum họp gia đình, dành thời gian cho nhau". Sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn là cả gia đình được cùng nhau đón Tết, mỗi người một việc chuẩn bị cho Tết để mọi thành viên đều gắn kết với nhau. Để từ đây tình cảm gia đình càng thêm sâu đậm và thấu hiểu nhau nhiều hơn.
Tết còn là dịp để phái mạnh thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến những người phụ nữa của mình. Đâu chỉ có việc phụ vợ vào bếp nấu nướng hay đưa vợ cùng đi mua sắm, chuẩn bị Tết mà hãy tìm hiểu xem người vợ của mình muốn điều gì Tết này. Điều tinh tế nhất mà mỗi người chồng nên làm đó là hãy để vợ được về với gia đình của mình ăn Tết.
“Mùng một Tết nội, mùng hai Tết ngoại”. Bất kể người phụ nữ nào khi đi lấy chồng đều mong muốn được về quây quần với bố mẹ. Đừng bắt họ phải âu sầu, nuốt nước mắt vào trong những ngày Tết vì nhớ mong gia đình, mong ngóng ngày về quây quần với gia đình. Người đàn ông tinh tế là người biết và hiểu điều người phụ nữ của mình mong muốn là gì và sẽ thực hiện bằng được.
Thực hiện: Công Bắc