TIN SỰ KIỆN

Thần tượng – Giang hồ: Ranh giới rạch ròi hay sự hợp nhất ngược đời?

Ranh giới giữa thân tượng và giang hồ ngày càng trở nên mong manh. Trong một số trường hợp chúng hòa trộn với nhau trở thành một thể thống nhất. Nghe thật lạ lùng nhưng đúng là sự thật ở xã hội hiện nay. Khi mà những anh chị trong giới giang hồ trở thành hiện tượng hot trên mạng, trở thành thần tượng với một số lượng fan hùng hậu. Trong khi đó, ở showbiz cũng có không ít những thần tượng, nghệ sĩ thực thụ có thói cư xử chẳng khác nào dân giang hồ.

Có thể gọi những nhân vật như Khá Bảnh là “Giang Hồ Mạng”. Nhờ khả năng tương tác với số đông, internet và mạng xã hội luôn nhanh chóng tạo ra những hiện tượng, như việc Khá Bảnh được đón tiếp ầm ĩ ở Yên Bái.

Với kênh Youtube hiện được tới 1,854,568 người đăng ký theo dõi, Khá Bảnh đứng thứ 60 trong số các kênh Youtube được subcribe nhiều nhất ở Việt Nam. 

Số lượng này tuy thua Sơn Tùng MTP (3,6 triệu subcribers), nhưng hơn xa các ca sĩ nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng (381 nghìn), hay các ca sĩ trẻ mới nổi như Win 365 (202 nghìn), Bích Phương (1,1 triệu), và hơn cả các kênh đầu tư rất công phu như Huỳnh Lập (1,663 triệu), DAMTV (1,61 triệu) hay Kem Xôi TV (1,548 triệu). Facebook của Khá Bảnh cũng có tới hơn 3000 bạn và khoảng 670.200 người theo dõi. 

Vậy điều gì tạo nên độ “hot” khủng khiếp của một thanh niên giang hồ như Khá Bảnh? 

Khác với các thần tượng chuẩn mực là ca sỹ, diễn viên, ngôi sao thể thao,… vốn thu hút người theo dõi bằng tài năng, hình mẫu vai trò, hay những thành công theo hướng tuẩn thủ chuẩn mực tích cực, điểm giống nhau giữa các “Giang Hồ Mạng” và các hiện tượng “nhảm” như Lệ Rơi, Bà Tưng, hay Kenny Sang là họ đều thu hút sự chú ý của cộng đồng thông qua các hành vi lệch chuẩn. Về bản chất, hành vi lệch chuẩn là những hành vi vi phạm các chuẩn mực xã hội, đi ngược lại với sự mong đợi của số đông trong xã hội, cho nên thường bị xã hội phản ứng và lên án.

Tuy nhiên, không phải mọi hành vi lệch chuẩn đều tiêu cực và xấu xa. Chỉ những hành vi vi phạm các chuẩn mực pháp lý, có biểu hiện đe dọa hoặc xâm phạm lợi ích cộng đồng mới đòi hỏi phản ứng của chính quyền, thông qua các hành động thực thi pháp luật. Những hành vi phản cảm, dù bị xã hội phản ứng và lên án do vi phạm các chuẩn mực xã hội hay ngược với mong đợi của cộng đồng, thì cũng chưa thể vận dụng chức năng kiểm soát xã hội của pháp luật.

Chính nhờ logic này, các “Giang Hồ Mạng” đã phát huy tối đa lợi thế của họ nhờ tư cách thành viên thế giới giang hồ vốn đa dạng và đầy bí ẩn với các thành viên thế giới chuẩn tắc. Các hành vi vốn bình thường trong thế giới giang hồ thì lại trở thành bất thường dưới cách nhìn của cộng đồng chuẩn tắc. Chính sự khác biệt này khiến các “Giang Hồ Mạng” nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng những người quan tâm.

Khác với các hiện tượng nhảm như Lệ Rơi hay Bà Tưng, hiện tượng “Giang Hồ Mạng” như Khá Bảnh sẽ có sức hút mạnh hơn, tồn tại lâu dài hơn bởi thông qua họ, thành viên của thế giới chuẩn tắc có được trải nghiệm thật (chứ không phải phim ảnh) và được thỏa mãn nhu cầu có thật về việc tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của giới anh em xã hội.


 

 

Thế giới giang hồ đầy bí ẩn chính là nguồn lực vô tận nuôi dưỡng các “Hot Giang Hồ Mạng”. Vấn đề chỉ là cá nhân nào biết tận dụng và phát huy được nguồn lực chung đó mà thôi.

Bên cạnh các hành vi lệch chuẩn và khả năng thỏa mãn sự tò mò về thế giới giang hồ, không thể không ghi nhận những khía cạnh hợp lý nhất định khiến các hành vi giang hồ nhận được sự ủng hộ bởi một bộ phận công chúng. Đó là lối hành xử hào sảng, nghĩa hiệp theo kiểu” xứng tầm đàn anh”; cách phân chia lợi ích và ngôi thứ dựa theo năng lực thực sự của cá nhân và khả năng đóng góp cho cả nhóm; hay nguyên tắc “đã nói là làm”, không chấp nhận “nói một đằng làm một nẻo”…vv.

Chính những điều này tạo nên sự hấp dẫn với cộng đồng nói chung, đặc biệt là những cá nhân cảm thấy thất vọng trong các môi trường chuẩn tắc của họ (gia đình, khu dân cư, trường học, hay nơi làm việc).

Khi các yếu tố định hình cuộc chơi như nhau (tư cách thành viên giang hồ, cùng sử dụng mạng xã hội…) thì việc cá nhân này nổi bật hơn cá nhân khác phụ thuộc hoàn toàn vào những yếu tố đặc thù của mỗi cá nhân.

Chẳng hạn, so với nhiều “Giang Hồ Mạng” cùng lứa vốn có ngoại hình dữ dằn, bặm trợn, Khá Bảnh lại có hình thức thanh mảnh, trắng trẻo, dễ tạo thiện cảm hơn. Trong khi các nhân vật khác có thể ăn nói tục tĩu liên hồi thì Khá Bảnh lại rất tiết chế trong việc văng tục.


 

 

Chính những đặc trưng cá nhân này khiến Khá Bảnh đặc biệt thu hút được lứa tuổi học sinh phổ thông – điều mà các đại ca đàn anh, dù uy lực hơn nhiều nhưng có muốn cũng không thể làm được.

Khác với những thần tượng giang hồ, những thần tượng chân chính thường gắn với những hình ảnh đẹp đẹp, cách cư xử văn minh. Họ thường là những người nghệ sĩ hoạt động trong giới showbiz với một lượng người hôm mộ hùng hậu. Tuy nhiên, thay vì giữ hình tượng cho mình, những thần tượng kiểu chân chính lại đang tự hủy hoại danh tiếng của mình bằng thói cư xử bơm chợ chẳng khác mấy “dân giang hồ”: dọa nạt, xử nhau, mắng chửi tục tĩu,… đầy đủ cả.

Điển hình cho những hình mẫu thần tượng có thói cư xử như dân giang hồ phải kể đến cặp đôi lắm duyên nợ Duy Mạnh – Tuấn Hưng. Cụ thể vào đầu năm 2017, ca sỹ Tuấn Hưng và Duy Mạnh đã mang những xích mích cá nhân lên mạng xã hội facebook để bày tỏ, đe dọa lẫn nhau, thậm chí không ngại va chạm xô xát nếu "bên kia" không biết điều. 

Đối với Tuấn Hưng, nếu kể tên ca sỹ nam có nhiều thành tích trong việc làm "rùm beng" facebook nhờ vào cách hành xử có phần hơi "mạnh mẽ" của mình thì không ai vượt qua được Tuấn Hưng. Từ việc tìm kiếm người nói xấu con trai tìm, dọa "cắt gân" người này, rồi tới việc anh treo giải 200 triệu cho người nào tìm ra chân tướng thật của kẻ nói xấu anh trên facebook.

Về phía Duy Mạnh, ngôi sao thuộc dạng đầu bảng vang bóng một thời với Hãy về đây bên anh và Kiếp đỏ đen. Tuy nhiên theo như tâm sự của anh thì do quá sa đà vào các tệ nạn xã hội dẫn tới sự nghiệp cũng từ đó ra đi. Sự việc giữa Duy Mạnh và Tuần Hưng nảy lửa khi cả hai ca sĩ đã đăng đàn công khai đe dọa lẫn nhau khi Duy Mạnh nói Tuấn Hưng "ăn cháo, đá bát", còn phía Tuấn Hưng thì cho rằng không nên níu kéo những hào quang đã cũ, mà nên nhìn vào tương lai.

Ngoài Tuấn Hưng, Duy Mạnh thì Châu Việt Cường cũng là một ca sĩ có khá nhiều tai tiếng trong cuộc sống bên ngoài sân khấu. Tuy không có mấy tên tuổi trong làng nhạc Việt, nhưng anh lại được biết tới với các scandal như "hiếp dâm" một cô gái 17 tuổi mà sau Châu Việt Cường giải thích là sự... tự nguyện của cả hai. Vụ việc này một thời đã gây nên làn sóng dư luận phản đối sự trơ tráo của ca sĩ này. Cuối năm 2016, trong một lần đi diễn ở Bắc Ninh, ca sĩ này đã va chạm với dân địa phương và dẫn tới xô xát tay chân. Tuy bị đánh phải chạy trốn mới giữ được tính mạng, nhưng ngay lập tức Châu Việt Cường đã gọi "anh em" lên giải vây và trả thù.

Sau đó một số người anh em tin cậy của Châu Việt Cường đã truy tìm và bắt người thanh niên có va chạm với Châu Việt Cường phải tới tận nhà để xin lỗi ca sĩ này. Cách giải quyết vụ việc được dư luận khen ngợi vì ca sĩ này đã không nổi nóng mà trả thù, tuy nhiên nhiều người cũng đặt câu hỏi vì sao ca sĩ lại có nhiều mối quan hệ phức tạp như vậy?

 

Tiếp tục với những thần tượng cư xử như dân anh chị, chắc chắn phải kể đến nhóm nhạc đình đám một thời: HKT. Giữa năm 2011, ca sĩ Quang Hà và nhóm nhạc HKT đều tham gia biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa huyện Tân Trụ - Long An do đoàn ca nhạc Trường Thanh - TP.HCM tổ chức. Sau khi hát xong, khán giả yêu cầu HKT hát thêm. Tuy nhiên, quản lý Quang Cường của ca sĩ Quang Hà không biết nên đã đưa đĩa nhạc của Quang Hà cho người chỉnh âm để nam ca sĩ lên hát. Trước sự việc này, các thành viên của HKT nhảy từ sân khấu xuống đánh Quang Cường và người chỉnh âm thanh. Sau khi chương trình kết thúc, HKT đã mang theo mã tấu đứng ở ngoài chờ sẵn để ‘xử lý’ Quang Cường.

Sau đó, Quang Cường chia sẻ với báo chí: “Tại trụ sở công an Tân Trụ, HKT tự thanh minh về “mã tấu” phòng thân, khi công an mang vật chứng tịch thu từ HKT là một cái kiếm dài 80cm, rất sắc bén. Các đồng chí công an, dân quân… có mặt tại trụ sở đều sờ vào cái kiếm xem là thật hay giả. Tất cả đều khẳng định “mã tấu” của HKT là kiếm Nhật dài 80cm".

Có thể thấy đứng trước một thế hệ thần tượng “tha hóa” về lối sống, cách cư xử như những trường hợp kể trên cũng đủ để hiểu tại sao những “Giang Hồ Mạng” được đà lên ngôi trở thành thần tượng của đại đa số giới trẻ hiện nay.

Thị hiếu của giới trẻ đang lệch chuẩn, hay nội dung “sạch”, lành mạnh trên mạng xã hội tại Việt Nam đang quá yếu thế trước sự lấn lướt của các nội dung độc hại, tục tĩu, bạo lực?

Thực tế, 'giang hồ mạng' nhiều khi có số lượng theo dõi nhiều hơn các ngôi sao ca nhạc. Chỉ khi hiểu rõ xu hướng 'giang hồ' này mới có thể giáo dục định hướng giá trị cho thanh thiếu niên.

Trong bối cảnh hiện nay, khi phần lớn thanh niên đều đang đắm chìm trong Internet và mạng xã hội thì các nhân vật giang hồ có xu hướng sử dụng các kênh truyền thông mạng xã hội để tiếp cận với công chúng là điều đương nhiên.

Có thể thấy những hiện tượng mạng là dân giang hồ, xã hội đen đang ngày một nhiều trên internet. Cá biệt, có những Facebooker, Youtuber dù là dân anh chị đích thực, vốn làm những nghề nhạy cảm như đòi nợ, tín dụng đen, lại được một bộ phận người dùng mạng xã hội tung hô, ngợi ca như những thần tượng đương thời.

Kẻ một thanh niên nhăng nhố như nhân vật Khá Bảnh trở thành niềm cảm hứng cho nhiều đứa trẻ để chúng theo dõi, học theo mọi hành vi, trở thành nhân vật truyền thông nổi tiếng, và được ghi nhớ mà không cần biết những hành vi đó là đúng hay sai thì các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục phải lo ngại cho con em mình trước những tác động lệch lạc của đời sống. Nhưng lỗi tại ai?

Truyền thông mạng dễ dàng biến những tên tội phạm, những nhân vật scandal thành người nổi tiếng, thành nhân vật của công chúng, chỉ để có nhiều người xem hơn. Đó là sự thật! Song, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho truyền thông, bởi suy cho cùng, truyền thông chỉ là một tấm kính phản chiếu gương mặt của đời sống mà chúng ta đang tồn tại. Một đời sống với hệ thống giá trị nhợt nhạt, trong khi những hành động nổi bật lại thường đồng hành với những bộ óc điên loạn.

Những nhân vật truyền thông nổi bật nhiều năm qua luôn là những kẻ ác có ngoại hình bắt mắt. Cô sinh viên trẻ đẹp cắt cổ người tình, gã trai đầy nam tính chặt đầu người yêu, và Luyện, sát thủ mang gương mặt sáng sủa ngây thơ. Đôi khi, những kẻ sát nhân man rợ cũng gặp phải sự cạnh tranh yếu ớt của một vài ngôi sao giải trí khi những ngôi sao đó vụt sáng bởi một vài động tác bất thường.

Như cô diễn viên đóng vai chính trong một bộ phim định hướng nhân cách cho giới trẻ với đoạn phim quay cảnh phòng the, như chàng cầu thủ nổi tiếng chất phát đổi nghĩa lấy tiền. Dẫu vị trí xã hội khác nhau, nhưng những ngôi sao giải trí và những kẻ sát nhân đều trở thành nhân vật truyền thông nổi bật theo một cách giống nhau, họ đều là cái cớ để dư luận bàn tán.


 

Nhân vật truyền thông dĩ nhiên không thể là những người bình dị mà chúng ta có thể gặp gỡ ở bất cứ nơi đâu. Họ phải là tác giả của những hành động, phát ngôn phi thường, hoặc bất bình thường. Đó là tiêu chí bất biến của truyền thông. Do đó, họ phải là anh hùng, hoặc tội đồ của xã hội, hoặc như một cách nói dễ hiểu hơn, là nhân vật điển hình của báo chí và văn nghệ.
Là tấm kính phản chiếu đời sống, truyền thông chẳng có lỗi gì khi mà các anh hùng đi vắng, trong khi kẻ ác lại ở nhà.
Công chúng cũng không có lỗi khi hướng sự chú ý vào Lê Văn Luyện hay Khá Bảnh. Họ cần những câu chuyện khác thường để vượt qua sự tẻ nhạt của đời sống tinh thần. Nhu cầu ấy từng khiến cho giáo sư Ngô Bảo Châu trở thành một vĩ nhân trong mắt thanh niên Việt, cho dù quá nửa dân số không hề biết khái niệm bổ đề cơ bản thực chất là cái gì.
 
Xét cho cùng văn hóa thần tượng sẽ đi đúng hướng nếu xã hội có nhiều cá nhân tích cực, những thần tượng kiểu mẫu ở mọi lĩnh vực thay cho việc lên ngôi của những giang hồ mạng? Hãy tỉnh táo và thông minh khi đứng trước một xã hội mà thực ảo lẫn lộn, cần có một cái nhìn lý tính khi đứng trước những hiện tượng mạng và có thái độ phản biến với những hành vi phi văn hóa, phản pháp luật như những hiện tưởng Khá Bảnh hay các “Giang Hồ Mạng” vẫn còn đang tồn tại ngoài kia.

Thực hiện: Công Bắc