Rất nhiều người Việt trẻ có thể khiến bạn phải bật ngón cái ngưỡng mộ khi biết được những thành tích và trải nghiệm của họ dài đến mức tưởng như chúng ta không bao giờ mơ đến và thực hiện được. Nhưng một trong những người trẻ nổi bật - một “cường nhân” nổi tiếng đã ở đây và giải đáp những gì giúp họ đạt được thành tích ấy, chúng ta còn sai lầm ở đâu và gửi lời khuyên đến thế hệ trẻ còn đang chênh vênh trả lời câu hỏi: “Mình thật sự muốn gì?”, “Mình thật sự phải làm gì”.
Những cuốn sách mà Hương đã xuất bản muốn mang thông điệp gì đến giới trẻ?
Đến thời điểm hiện tại, mình đã (hoặc sắp) xuất bản 5 cuốn sách ở ba quốc gia là Việt Nam, Colombia và Đan Mạch. Mặc dù mỗi cuốn sách đều có chủ đề riêng biệt, nhưng tất cả đều xoay quanh những chủ đề như: “công dân toàn cầu”, “ngoại ngữ”, “du lịch”, “du học”, “làm việc ở nước ngoài”, v.v., và có liên quan đến những kinh nghiệm mình đã tích lũy trong vòng hai mươi năm sinh sống tại nước ngoài.
Đa văn hóa và đa ngôn ngữ là hai đặc điểm nổi bật của mình, và mình mong muốn truyền lại động lực, cảm hứng và kiến thức để các bạn trẻ cũng có được cuộc sống “không biên giới” như mình. Các bạn không nhất thiết phải rời khỏi Việt Nam hoặc phải có nhiều kinh nghiệm đi khắp thế gian thì mới có thể nói rằng: “Tôi là người của thế giới.” Hãy học hỏi (từ các cuốn sách và những người đi trước) ngay tại quê hương mình và có những trải nghiệm đa dạng để bạn có thể cảm thấy tự tin với bản thân trong mọi tình huống và hoàn cảnh.
Có nhiều người trẻ muốn được du học, muốn học tập văn hóa của nước ngoài với ước mơ to lớn muốn thay đổi thế giới, nhưng họ ra đi bằng đôi chân trần. Không đủ hành trang tri thức để hòa nhập, không đủ Tiếng Anh để giao tiếp, không đủ kĩ năng để phát triển và không đủ chân thành để trở lại. Dường như mọi thứ kĩ năng đa số giới trẻ đều thiếu hụt nhưng lại không biết khắc phục. Nhưng Hồ Thu Hương cho rằng mọi thứ đều có thể thay đổi vì ba chữ “Bạn còn trẻ”.
Bước ra thế giới thật sự rất khó khăn, khi người Việt Nam vẫn còn sợ học Tiếng Anh?
Có đúng là người Việt sợ học tiếng Anh không nhỉ? Mình có cảm giác rằng có nhiều bạn đang học ngoại ngữ một cách ép buộc và một số lớn chưa kết hợp được những thứ họ học trên lớp với đời sống hằng ngày.
Mặc dù hiện giờ có rất nhiều người Việt đang giàu có, thành công trên đất người ngay cả khi vốn ngoại ngữ của họ ở con số không (hoặc ở mức giao tiếp cơ bản). Ví dụ như ở Cộng hòa Séc có rất đông người Việt buôn bán, mở cửa hàng hay tiệm làm tóc mặc dù không biết tiếng Séc. Họ thuê người phụ làm để giao tiếp với khách hàng, hoặc nếu họ buôn bán tại trợ người Việt thì phần lớn thời gian, họ sẽ chỉ làm việc với người Việt Nam. Nhưng những người mà không có đủ khả năng để giao tiếp với người bản xứ thì sẽ không bao giờ có thể “hòa quyện” vào cuộc sống bản địa.
Rào cản ngôn ngữ đã tạo ra thiệt thòi gì cho các bạn trẻ? Chị có tin rằng thế hệ Z có thể khắc phục được những điểm yếu mà thế hệ X, Y không thể thay đổi?
Rào cản ngôn ngữ là một vấn đề khổng lồ cho các bạn trẻ. Bất cứ ai không biết ngoại ngữ sẽ bị giới hạn và không thể phát triển hết khả năng trong cuộc sống ngày nay. Giới hạn đó không chỉ hạn chế ở các cơ hội du học, việc làm, mà còn cách suy nghĩ, lối sống, nhận thức và kiến thức cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu không sử dụng được ngoại ngữ, các bạn trẻ sẽ không thể tiếp cận được với văn học cổ điển của thế giới (không phải cuốn sách nào cũng đã được dịch sang tiếng Việt).
Các bạn cũng sẽ không có cơ hội đón nhận những lời khuyên, ý kiến và suy nghĩ đa chiều.
Được tiếp cận với nền văn hóa Mỹ Latinh, nơi cởi mở và chia sẻ cảm xúc là những điều thông thường và hiển nhiên, mình đã hiểu ra lý do tại sao chúng ta lại cần thiết bỏ cái tôi ra một bên để giải hòa những vấn đề “tưởng như không thể giải quyết được” đến vậy. Nếu không tìm cách giải quyết vấn đề ngay lập tức, chắc hẳn sau này bạn sẽ cảm thấy tội lỗi và hối tiếc.
Mình tin rằng thế hệ trẻ có khả năng khắc phục được những vấn đề của các thế hệ trước. Họ có nhiều cơ hội hơn thế hệ ông bà hay bố mẹ họ. Và họ cũng có nhiều trải nghiệm đa dạng hơn. Nhưng họ cũng rất cần có sự ủng hộ và giúp đỡ của những người đi trước.
Bên cạnh kĩ năng ngôn ngữ, chị có cho rằng kỹ năng quản lý tài chính cũng quan trọng không kém khi chúng ta còn trẻ?
Tài chính cũng là một trong những yếu tố quan trọng trên con đường này. Có quá nhiều các bạn trẻ đã phải từ bỏ ước mơ của mình vì không có đủ khả năng tài chính để thực hiện ước mơ. Theo mình thì ngoài kinh tế vĩ mô và vi mô thì các bạn trẻ nên được học những điều cơ bản về cách quản lý kinh tế cá nhân và gia đình.
Nhưng mình có thể trấn an các bạn trẻ Việt Nam rằng: thiếu những kỹ năng sống là vấn đề của các bạn trẻ trên toàn thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam. Có lần mình nói chuyện với một cố vấn trẻ tuổi người Luxembourg. Bạn đó có nói rằng giới trẻ Luxembourg đang thiết trầm trọng những kỹ năng mềm, ngay cả tối thiểu trong cuộc sống, khi mà nhiều người trong số họ không biết khâu lại khuy bị đứt hay sử dụng máy giặt!
Cộng đồng “Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới” đã thực sự truyền cảm hứng cho nhièu bạn trẻ thực hiện ước mơ của mình. Vậy còn ai là người truyền cảm hứng cho chị khi xây dựng cộng đồng kết nối những công dân toàn cầu tương lai này?
Từ nhỏ, mình đã có bản năng giúp đỡ mọi người xung quanh. Khi mình thấy có bạn học yếu tiếng Anh, mình sẽ giúp bạn học tiếng Anh trước ngày thi. Khi mình tìm thấy cơ hội nào đó phù hợp với một bạn thì mình sẽ không ngại gửi ngay cơ hội cho bạn đó. Mình lớn lên với nhận thức là con người là loài động vật bầy đàn, vậy nên nếu muốn tồn tại thì chúng ta phải giúp đỡ nhau.
Những người truyền cảm hứng nhất cho mình là những người mình đã gặp mặt trong đời sống thật. Ví dụ như chị Adina người Rumani đã dạy cho mình là, nếu thấy ai thành công, mình cần phải chúc mừng và động viên để họ tiếp tục tiến lên phía trước chứ không so sánh hoặc ghen tị. Bác Bernie người Hoa Kỳ qua việc giúp đỡ rất nhiều hộ gia đình Việt Nam bị chất độc da cam đã truyền cho mình cảm hứng giúp đỡ người khác vô điều kiện.
Hay bác Pau Woo, cựu chủ tịch của tổ chức Asia Pacific Foundation of Canada luôn hỏi ý kiến của nhân viên đã nhắc mình luôn là người rất giản dị và khiêm tốn, ngay cả khi đã có địa vị trong xã hội. Còn Imane ở Maroc thì luôn gọi điện cho mình mỗi khi bạn cần lời khuyên về một vấn đề nào đó, mặc dù mình ở xa bạn đến nửa trái đất. Mỗi sự kết nối như vậy đã thúc đẩy trong mình động lực để duy trì cộng đồng HCX.
Chủ nghĩa xê dịch của các bạn trẻ luôn tồn tại những ý kiến trái chiều về “tính thực tế”. Quan điểm của chị thế nào về vấn đề này?
Chúng ta không nên quy chụp tất cả các bạn trẻ ham mê xê dịch vào một cái mác nhất định. Mỗi người sẽ có những mục tiêu và lý do xê dịch riêng của bản thân. Mình đồng ý rằng có những bạn đi du lịch/phượt chỉ để chụp hình selfie, để thu thập dấu hải quan trong cuốn hộ chiếu hoặc để “mua” cái mác “phượt thủ” cho oai. Nhưng mình tin rằng đó chỉ là số ít. Các bạn trẻ ngày nay đã hội tụ được nhiều kiến thức và kỹ năng phượt tiết kiệm và bổ ích. Mình tin rằng mỗi chuyến đi được chuẩn bị tốt sẽ giúp cho chúng ta học hỏi thêm rất nhiều điều.
Câu hỏi “Này, ước mơ của cậu là gì thế” thường luôn là thứ có câu trả lời “sai trái” khi chúng ta dần trưởng thành. Bởi nhiều câu trả lời sẽ không phải là ước mơ của bạn, mà là của bố mẹ bạn, của người giỏi hơn bạn. Khi chúng ta dần bước chân ra khỏi “ao làng”, định kiến giữa con người, dân tộc, văn hóa và cả màu da có thể khiến nhiều bạn trẻ trở nên nản lỏng và chùn bước. Đó cũng chính là những rào cản lớn nhất của tuổi trẻ, những “bóng ma”ám ảnh của cả nhiều thế hệ. Với Hồ Thu Hương, cô sẽ đưa ra những dẫn giải thế nào để những bạn trẻ đang vướng mắc đọc được bài viết này, họ sẽ tìm ra lối thoát?
"Theo chị, giới trẻ làm thế nào để có thể hài lòng với cuộc sống của mình khi đang chịu chính áp lực từ phụ huynh của mình về định nghĩa “thành công” bằng chính sự lựa chọn của cha mẹ?"
Mặc dù là rất buồn nhưng chị phải nói ra là có những người Từ bé đến lớn, bố mẹ nâng niu và hỗ trợ cho con từ đầu đến cuối. Rồi khi con đã đến tuổi trưởng thành thì thay vì chỉ gợi ý và khuyên nhủ, có những bố mẹ ép đặt con cái mình phải đi theo con đường mà họ coi là đúng. Thậm chí có những người không cho phép con tham gia chương trình hoặc khóa học có học bổng toàn phần ở nước ngoài vì họ… lo cho con!
Có biết bao những bạn trẻ tủi thân đến cảm thấy bất lực vì mọi công sức của họ đã không thể vượt qua rào cản mang tên “gia đình”. Bố mẹ Việt Nam muốn con thành công và trở nên người bằng cách… giữ con ở trong nhà! Mình đã thử đưa ra những gợi ý cho những bạn trẻ đang có bố mẹ cấm đoán họ nhưng cũng không có kết quả tốt.
Thậm chí là mình sẵn sàng gọi điện và nói chuyện với phụ huynh để giải thích nhưng họ không chấp nhận nghe. Vậy nên, bên cạnh việc hướng dẫn và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, mình nghĩ rằng chúng ta cũng cần có một cộng đồng hướng dẫn phụ huynh bắt kịp xu hướng để họ biết được đâu thực sự là những điều tốt nhất cho con mình.
Có một bạn trẻ từng xin tư vấn thế này "Mình phải làm gì nếu mình phải làm việc mà mình thực sự không muốn thực hiện nó'' và người tư vấn trả lời rằng: "Amor Fati.''- "Yêu lấy định mệnh của bạn" bằng tiếng Latinh. Nếu một ai đó cũng tìm chị xin lời khuyên về vấn đề này, chị có cùng chung ý kiến?
Trước khi tư vấn thì mình sẽ cần biết chi tiết về vấn đề của bạn trẻ đó. Bạn đang làm công việc chuyên ngành? Hay bạn chỉ làm việc bán thời gian để kiếm tiền? Bạn đang trong quá trình thực tập? Ai đã chọn ngành nghề bạn đang theo đuổi? Bạn đã có đủ trải nghiệm và kiến thức để biết chắc rằng đó không phải là công việc bạn yêu thích?
Theo mình thì định mệnh là điều chúng ta nắm trong tay và có thể thay đổi. Ngay cả khi đó là công việc trong ngành mà bạn đã theo học trong 4 năm đại học hay thậm chí là trong 2 năm học thạc sĩ, nhưng nếu nó không làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn thì bạn vẫn luôn có thể tìm con đường khác để rẽ. Chớ làm một công việc mà bạn không yêu thích quá lâu bạn nhé. Càng để lâu, bạn sẽ rất khó để dứt ra được.
Mình khuyên các bạn trẻ nên có nhiều trải nghiệm đa dạng nếu vẫn chưa tìm được công việc thích hợp. Những năm tháng đôi mươi là độ tuổi tốt nhất để các bạn trải và nghiệm đó.
Nhiều bạn trẻ có đang nhầm lẫn về “American Dream - giấc mơ Mỹ ” khi họ coi rằng chỉ cần đặt chân đến Mỹ thông qua du học là đã chinh phục được cụm từ này?
Thật ra mình vẫn chưa hiểu mọi người có suy nghĩ lệch lạc về “American Dream” từ đâu nữa. Vẫn còn rất nhiều người coi Hoa Kỳ là mỏ vàng và ai đến đó tức khắc sẽ giàu có. Hoa Kỳ đúng là quốc gia cho bạn rất nhiều cơ hội, nhưng nếu không cố gắng và đấu tranh, bạn sẽ không thể vươn tới “giấc mơ Mỹ” được đâu.
Người Hoa Kỳ có vẻ là giàu có vì lương của họ cao, nhưng ngoài lương ra, các bạn cần phải tính đến những chi phí phải bỏ ra trong cuộc sống. Mà những chi phí đó ở Hoa Kỳ cao ngất ngưởng. Thứ hai, người Hoa Kỳ có thể chi tiêu nhiều vì những ngân hàng và cửa hàng thi nhau chào mời thẻ tín dụng. Vậy nên, bạn có thể dễ dàng có mấy chục nghìn đô trong tay, mặc dù là trong thực tế bạn chưa kiếm ra được đồng nào.
Chủ nghĩa nợ nần có thể cho bạn một cuộc sống sung túc tạm thời, nhưng nói về mặt lâu dài thì bạn sẽ cảm thấy bị gò bó và stress. Người Hoa Kỳ thường nợ nần cả đời, vậy nên họ cũng sẽ rất khó để đưa ra những quyết định táo bạo và có cuộc sống xê dịch như người châu Âu. Cũng có những người Hoa Kỳ nợ nần chồng chất nên quyết định chuyển sang các quốc gia có chi phí thấp (như Việt Nam) để sinh sống.
Chị có thể chia sẻ những “định kiến” khi là một người châu Á du học mà chị từng gặp phải hay chị đã từng chứng kiến?
Hồi du học ở Marseille, Pháp, một giáo viên đã rất ngạc nhiên khi chị nói chị là người Việt Nam. Vì theo ông, người Việt “có bao giờ đi đâu đâu”. Đó là một trong những định kiến về người Việt nói riêng và về châu Á nói chung. Bên cạnh những định kiến tích cực như “người châu Á học giỏi”, “người châu Á làm việc rất chăm chỉ”, người châu Á rất thông minh” thì vẫn còn vô số các định kiến tiêu cực khác.
Tất nhiên là phần lớn các định kiến cũng được dựa trên các cơ sở nhất định, vậy nên mình mong muốn là các bạn trẻ Việt khi ra nước ngoài sẽ cố gắng để thay đổi cách nhìn của người nước ngoài về chúng ta. Có thể bạn cảm thấy rằng sự cư xử của mình có liên quan tới người khác đâu. Nhưng ngược lại, nếu mỗi người trong chúng ta giúp ít nhất một người nước ngoài thay đổi định kiến của họ về người Việt Nam hoặc châu Á, thì dần dần, những định kiến đó sẽ được gỡ bỏ.
Đâu là câu nói tâm đắc mà chị luôn nghĩ đến khi phải đối mặt với những thử thách trong cuộc sống?
Mình có cả một kho tàng “những câu nói tâm đắc” và mỗi khi được hỏi thì mình sẽ chọn ra một câu để không lặp lại câu nói từ trước. Vì mình mới trở về từ một chuyến đi đến “đất nước hạnh phúc nhất thế giới” là Đan Mạch, mình đã mua một cuốn sách nói về hạnh phúc của Meik Wiking, giám đốc điều hành Viện nghiên cứu hạnh phúc ở Copenhagen. Trong đó có câu nói đơn giản nhưng có ý nghĩa rất lớn đối với mình: “Hãy mua trải nghiệm chứ đừng mua vật chất.”
Không nhất thiết phải là chuyến đi vòng quanh thế giới, những trong những hoạt động hằng ngày bạn hoàn toàn có thể tìm ra những trải nghiệm bổ ích cho riêng mình. Nếu đang ngồi ở một quán ăn, bạn bỗng nhiên nhìn thấy một bạn người nước ngoài đang loay hoay tìm bàn để ngồi. Hãy mời bạn đó vào bàn của bạn và giao tiếp và đặt câu hỏi về quê hương của người bạn đó. Mình đảm bảo là sau khi đứng lên đi về, bạn sẽ tích lũy thêm được nhiều kiến thức thú vị về thế giới!
Thực hiện: Hằng Trịnh, Thanh Huyền
Cứ 100 phút lại có 1 người tuổi 22 tự tử hoặc có ý định tự tử. Vì thế, We25 đã cho ra một chuyên đề mới mang tên "#Reply22" - Khi chúng ta lại quay trở về vạch xuất phát" nhằm giúp đỡ những người trẻ giải quyết mọi vấn đề nhức nhối nhất. Đừng ngần ngại chia sẻ và giúp đỡ!