Bắt đầu với tấm bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT, Hoàng Anh Tuấn từng làm qua rất nhiều vị trí trong nhiều lĩnh vực như truyền thông, quảng cáo với mức lương khủng. Vậy nhưng sau đó, anh chàng đã quyết định từ bỏ tất cả để khởi nghiệp với thương hiệu Soya Garden.
Hoàng Anh Tuấn (SN 1988, Hà Nội) là nhà đồng sáng lập và hiện đang giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Soya Garden - một mô hình kinh doanh các sản phẩm từ đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam. Soya Garden cũng là một ứng viên trong chương trình truyền hình Shark Tank mùa đầu tiên của VTV dành cho các Startup. Với điểm mạnh là sự khác biệt của sản phẩm so với thị trường, Hoàng Anh Tuấn và chị gái đã thành công trong việc gọi vốn đầu tư lên tới 15 tỷ đồng từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Tập đoàn Egroup, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Anh ngữ Apax.
Hiện tại, Soya Garden đang trong giai đoạn mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Trung bình cứ 1 tháng, hệ thống sẽ có thêm 3 - 5 cửa hàng mới khai trương và đi vào hoạt động. Mục tiêu trong năm 2018 của Soya Garden là đạt đến con số 40 - 50 cửa hàng trên toàn quốc. Ngoài ra, anh Tuấn cho biết, tình hình kinh doanh của Soya Garden hiện rất khả quan với các chỉ số doanh thu, lợi nhuận đều tốt và có nhiều tín hiệu tăng trưởng mạnh mẽ.
Trước khi quyết định tự làm kinh doanh, anh Tuấn đã có khoảng thời gian 2 năm công tác ở vị trí strategic planner (chuyên gia hoạch định chiến lược - PV) tại Dentsu Việt Nam - một tập đoàn truyền thông quảng cáo danh tiếng của Nhật Bản với mức lương lên tới nghìn đô. Tuy nhiên, khi đang được cân nhắc lên vị trí cao hơn, anh chàng lại quyết định bỏ việc.
Nói về lý do từ bỏ công việc ổn định với mức lương khủng này, anh Tuấn cho biết, tiền bạc không phải là thước đo cho sự đam mê trong công việc mà quan trọng là công việc đó mang lại cho mình những trải nghiệm bổ ích như thế nào.
Anh chia sẻ: “Cuộc sống là một chuỗi các trải nghiệm và người trải nghiệm nhiều nhất là người 'sống' nhiều nhất. Vì vậy, mình tin rằng cuộc sống luôn cần những điều mới mẻ để có thêm trải nghiệm và khẳng định bản thân. Giống như bản thân mình cũng không thể biết mình có khả năng làm đến đâu nếu mình không dám “thoát ra khỏi vòng an toàn” để thực hiện ý tưởng kinh doanh như hiện tại”.
Trong 1 năm kể từ khi nghỉ việc, Hoàng Anh Tuấn đã tranh thủ kết hợp với 2 người bạn để hiện thực hoá một ý tưởng kinh doanh mới: Mô hình hoa quả dầm tự chọn Lak Lak. Dự án này sau đó đã không được thành công như mong đợi vì theo anh, nó chưa kịp phát triển rộng thì đã bị... bắt chước và mọc lên khắp nơi.
Tuy nhiên, trong suy nghĩ của mình, anh Tuấn chưa bao giờ coi đây là một dự án thất bại mà luôn xem đó là một trong những kinh nghiệm khởi nghiệp trân quý. Anh cho rằng bản thân dự án này cũng đã đạt được những thành công nhất định so với chủ ý ban đầu. Mục tiêu đề ra ban đầu của anh và các bạn là tạo nên một mô hình kinh doanh tinh gọn, có khả năng nhân rộng một cách dễ dàng và nhanh chóng. Mô hình xe đẩy hoa quả dầm tự chọn Lak Lak bước đầu đã đạt được ý đồ là xây dựng một mô hình kinh doanh tinh gọn và nhân bản được nhanh chóng nhờ chi phí đầu tư xe đẩy thấp, mô hình gọn nhẹ, đơn giản, dễ dàng nhân bản và đón nhận được lượng ủng hộ kha khá từ giới trẻ.
“Tuy nhiên, do hạn chế về kỹ năng quản lý nhân sự, khó khăn trong việc tìm kiếm mặt bằng và sự cạnh tranh tương đối cao từ các xe đẩy riêng lẻ với sản phẩm tương tự, ý tưởng kinh doanh lúc bấy giờ đành phải bỏ ngỏ và chưa thể thúc đẩy tốc độ phát triển đủ nhanh và mạnh để tạo dấu ấn bùng nổ trong tâm trí khách hàng.”, Hoàng Anh Tuấn nhận định.
Quả đúng “thất bại là mẹ thành công” nên mặc dù chuỗi xe đẩy hoa quả dầm Lak Lak chưa thực để lại ấn tượng sâu sắc và không duy trì được lâu dài nhưng lại thành công trong việc tạo ra một trào lưu rất hot trong mùa hè năm 2015. Ông chủ Soya Garden khẳng định: “Sau lần khởi nghiệp ấy, mình cũng đã rút ra được rất nhiều bài học và kinh nghiệm quản lý hỗ trợ cho công việc kinh doanh bây giờ”.
Ý tưởng về Soya Garden được Hoàng Anh Tuấn nảy ra và xây dựng cách đây vài năm từ một chuyến du lịch vòng quanh các nước Đông Nam Á. Trong chuyến đi đó, ông chủ Soya Garden khi ấy vẫn chỉ là một chàng trai trẻ vừa nghỉ việc đã quyết định đến với mảnh đất Singapore tìm nguồn cảm hứng. Đất nước nhìn trên bản đồ tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại sở hữu lượng tiêu thụ đậu nành cực lớn. Với tổng diện tích hơn 700 km2, chỉ bằng 1/4 diện tích Hà Nội nhưng Singapore lại sở hữu đến hàng trăm cửa hàng đậu nành. Chỉ tính riêng 2 thương hiệu lớn Mr. Bean và Jollibean đã có đến gần 100 cửa hàng. Anh Tuấn cũng nhận thấy, ở đây đậu nành được sử dụng như một thức uống thông dụng như trà và cà phê ở Việt Nam. Cứ vài trăm mét tại đất nước này sẽ lại thấy một quán nhỏ bán sữa đậu nành và beancurd (món tráng miệng làm từ đậu nành của Singapore).
“Tại Việt Nam, đậu nành cũng là một trong những loại thực phẩm quen thuộc, tuy nhiên chỉ được sử dụng như những loại thức ăn, thức uống dân dã, bình dị đời thường. Nếu mình cứ áp dụng mô hình cửa hàng phân phối sản phẩm nhỏ lẻ như bên Singapore thì không tạo được sự khác biệt lớn và chắc chắn sẽ chẳng mang lại hiệu quả.”, anh Tuấn phân tích.
Sau khi nhận thấy tiềm năng của các sản phẩm từ đậu nành hữu cơ không những thơm ngon, dễ uống mà còn có lợi cho sức khỏe, ý thức được nhu cầu thường thức đi kèm không gian trải nghiệm từ thị trường nội địa ngày càng lớn, Hoàng Anh Tuấn đã bắt đầu nghiên cứu, thăm dò, tìm kiếm những nguồn đậu nành hữu cơ đầu tiên nhập khẩu về Việt Nam và xây dựng nên mô hình cửa hàng Soya Garden như hiện tại.
Có thể nói, lần đầu tiên và duy nhất tại Soya Garden, khách hàng mới có trải nghiệm thưởng thức những sản phẩm từ đậu nành hữu cơ trong một không gian sang trọng với chất lượng dịch vụ, sản phẩm cao cấp đến vậy.
“Mong muốn của mình là đưa trải nghiệm sử dụng các sản phẩm từ đậu nành hữu cơ của mọi người nâng lên một tầm cao mới, trở thành một xu hướng sử dụng các sản phẩm từ đậu nành và các sản phẩm đồ uống không chỉ ngon, đẹp mà còn tốt cho sức khỏe.”, chủ thương hiệu Soya Garden tâm sự.
Tất nhiên, cũng như các startup khác, Soya Garden cũng gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu xây dựng thương hiệu. “Xuất phát điểm là một kỹ sư chuyên ngành CNTT và làm việc nhiều trong các công ty thuộc lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, kinh nghiệm kinh doanh và hiểu biết về ngành F&B (thực phẩm và dịch vụ ăn uống - PV) của mình lúc bấy giờ dường như là bắt đầu từ con số 0. Bởi vậy, những ngày đầu khởi nghiệp không thể tránh khỏi bỡ ngỡ trong việc quản lý nhân sự, điều phối các hoạt động của một doanh nghiệp.”, anh Tuấn tâm sự.
Tuy nhiên, anh cho biết, đến khi vượt qua hết những trở ngại ban đầu thì bản thân lại không thấy đó là những khó khăn nữa mà chính là cơ hội để mình học hỏi thêm nhiều điều. Thị trường đồ uống và thức ăn nhanh tại Hà Nội đang vô cùng cạnh tranh, thế nhưng Hoàng Anh Tuấn luôn tin tưởng và chắc chắn rằng startup của mình sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và sẽ trở thành một thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực F&B.
“Dựa trên những con số kinh doanh thực tế mà Soya Garden đã và đang làm được, cộng thêm lợi thế cạnh tranh từ sự khác biệt trong sản phẩm, vị thế tiên phong của người dẫn đầu, chiến lược kinh doanh bền vững và số lượng khách hàng trung thành ủng hộ ngày càng lớn, mình tin tưởng Soya Garden sẽ không chỉ dừng lại là một thương hiệu Việt mạnh, mà phải là một thương hiệu Việt mạnh có chỗ đứng trên thị trường quốc tế.”, anh Tuấn khẳng định.
Có thể nói, nhận định của anh Tuấn hoàn toàn có cơ sở bởi cửa hàng đồ uống và thức ăn nhanh ở thị trường hiện nay tuy rất nhiều nhưng để tìm được một cửa hàng chuyên biệt từ đậu nành hữu cơ, mang lại giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe của khách hàng mà vẫn đảm bảo chất lượng về không gian, trải nghiệm hương vị sản phẩm, dịch vụ thì Soya Garden là một trong số ít doanh nghiệp làm được.
Trở thành ứng viên tham dự chương trình Shank Tank - chương trình gọi vốn từ các nhà đầu tư dành cho các startup, anh Tuấn cho biết mình khá tự tin. Sở dĩ bởi ở Soya Garden có tính khác biệt, độc đáo từ sản phẩm và mô hình kinh doanh có khả năng phát triển dài hạn theo cả chiều ngang và chiều dọc.
“Ngay khi bắt tay thực hiện ý tưởng kinh doanh này, mình đã xác định đích đến không chỉ dừng lại ở việc xây dựng thành công một hệ thống cửa hàng F&B bán đồ ăn thức uống từ đậu nành, mà xa hơn là xây dựng một nền 'công nghiệp đậu nành hữu cơ', tạo nên một xu hướng thực dưỡng và tiêu dùng mới, một 'đế chế mới về đậu nành', không chỉ là đồ uống, là bánh mà còn là các sản phẩm tiêu dùng nhanh có tính thương mại hay các mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp từ đậu nành...”, anh Tuấn cho biết.
Trước nhiều ý kiến cho rằng, Shank Tank không phải là một kênh đầu tư mà đơn giản chỉ là công cụ để "làm màu", chủ thương hiệu Soya Garden không đồng tình. Theo anh, nếu muốn đánh giá Shark Tank có phải là kênh đầu tư thực sự hay không, mọi người có thể nhìn vào sự thay đổi của hệ thống cửa hàng của anh trước và sau chương trình.
“Với Soya Garden, Shark Tank chính là cánh cổng hướng thương hiệu đến với một sự khởi đầu hoàn toàn mới. Sau quyết định đầu tư, toàn hệ thống như được thay một lớp áo hoàn toàn mới với nhiều cải tiến, nâng cấp vượt bậc trên mọi khía cạnh, từ những yếu tố cốt lõi như phát triển nghiên cứu sản phẩm với đội ngũ nhân lực là các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, cho đến việc nâng cao chất lượng không gian trải nghiệm, dịch vụ, thay đổi phong cách thiết kế...”, anh Tuấn phân tích. Anh còn cho biết, sẵn sàng vui vẻ mời những người có ý kiến tiêu cực về Shank Tank cứ đến Soya Garden để trực tiếp cảm nhận và đánh giá những đổi mới rất tích cực của thương hiệu.
Chia sẻ về sự thay đổi sau khi nhận đầu tư 15 tỷ đồng từ Shank Tank, anh Hoàng Anh Tuấn tiết lộ, hiện tại Soya Garden và Shark Thủy đã thực hiện xong giai đoạn đầu của quá trình hợp tác - “due diligence” (giai đoạn thẩm định - PV) và đang trong giai đoạn giải ngân, triển khai các bước phát triển thương hiệu cũng như mở rộng hệ thống. “Với sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, nhân sự, hệ sinh thái và đặc biệt là kinh nghiệm kinh doanh, kỹ năng quản lý từ Shark Thủy, Soya Garden thực sự đã có một bước khởi đầu hoàn toàn mới.”, anh Tuấn khẳng định.
Kể từ khi chính thức nhận được quyết định đầu tư đến nay, hệ thống Soya Garden đã hoàn thiện, phát triển thêm 5 cửa hàng với phong cách mới và chất lượng dịch vụ, sản phẩm được nâng cấp đáng kể. Dự kiến hệ thống sẽ tiếp tục nhân rộng số lượng cửa hàng với tốc độ nhanh hơn nữa trong nửa cuối năm 2018 này.
Là một startup đã đúc kết được những bài học quý giá, anh Tuấn cũng có những chia sẻ riêng dành cho các bạn trẻ đang có ý định kinh doanh như bản thân mình. Theo quan điểm của anh, trước khi “làm kinh doanh”, các bạn trẻ nên đi “làm thuê”.
“Dĩ nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân và không có tính áp đặt cho bất cứ ai, mọi người hoàn toàn vẫn có thể thành công với công việc kinh doanh riêng ngay sau khi ra trường mà không bắt buộc phải đi làm cho công ty hay tổ chức nào. Tuy nhiên, ở đây mình muốn nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của những kinh nghiệm tích lũy được, những điều học được của bản thân trong suốt quá trình 'đi làm thuê'...”, chủ thương hiệu sữa đậu nành hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam chia sẻ.
Anh Tuấn cho rằng, đôi khi một công việc tốt không hẳn là một công việc nhàn hạ và lương cao. Anh nói: "Một công việc tốt là công việc hội tụ đầy đủ kỹ năng, kiến thức, môi trường để mình học hỏi, sàng lọc và phát triển bản thân, từ đó tạo tiền đề, bệ phóng cho bước tiến xây dựng sự nghiệp sau này".
| Eo Xi