Gặp gỡ Khôi Nguyễn trong một buổi sáng thứ 7 khá nóng nực. Ấn tượng đầu tiên của tôi là một chàng trai có nụ cười khá tự tin, không comple giày tây, chẳng hề ngạo nghễ như nhiều người tưởng tượng. Có lẽ nhìn qua, không ai nghĩ đây là một trong 30 nhân vật được Forbes Việt Nam bình chọn là gương mặt có ảnh hưởng năm 2018, vô cùng tối giản và mộc mạc. Thế nhưng, chỉ đến khi ngồi xuống, lắng nghe câu chuyện của chàng CEO 27 tuổi, chúng tôi mới thực sự cảm nhận được sự nhiệt huyết và nội lực “không phải dạng vừa đâu” của chàng trai vừa bước sang tuổi 27. Founder Wefit nói chuyện sắc bén, nhưng phong cách từ tốn và ngôn ngữ đậm chất IT.
Nhiều bạn trẻ ra trường thoát khỏi sự quản lý của bố mẹ, thầy cô vùi đầu vào những trò vui, giải trí nhưng không biết rằng vài năm nữa quay lại mới thấy giá trị của tuổi trẻ
Nếu một buổi sáng thức dậy và cảm thấy mệt mỏi với những bộ quần áo quy chuẩn, gương mặt sếp hiện lên “Kế hoạch đâu?”, khi mà những người đồng nghiệp thân thiết cũng chẳng khiến bạn thấy vui hơn, lương đổ về tài khoản còn không đủ “vứt hết tất cả để mà vác ba lô lên đi”. Thì có lẽ khoảnh khắc, cảm giác, con người ấy của bạn bắt đầu bộc lộ rõ nhất của sự già cỗi ở tuổi trưởng thành “Bạn có đang yêu thích những gì mình làm?”
Thứ mà người ta hay mang ra để nói “nhiệt huyết”, thứ động lực để bạn cảm thấy mình cần “phấn đấu cho một thanh xuân” toàn vẹn. Thứ mà khiến trái tim bạn đủ nồng nhiệt để đón chờ. Đó chính là “Mục tiêu của cuộc đời”. Khi không có mục tiêu, cuộc sống trở nên vô nghĩa, chúng ta trung thành đến mức kỳ lạ với những việc lặp đi lặp lại qua bao nhiêu ngày, hay như Khôi Nguyễn gọi đó là “sống mà không có mục tiêu, không biết mình phải làm gì”.
“May mắn khi ngay từ lúc còn đi học, mình đã biết là muốn trở thành ai, làm việc gì và mình coi đó là một ngọn đèn hải đăng” – Khôi Nguyễn chia sẻ. Chỉ một câu nói ngắn gọn mà CEO của Wefit đã giải đáp được nhiều khúc mắc khiến các bạn trẻ đau đầu. Và, cái lý do anh tìm được ra mục tiêu của mình cũng đơn giản. “Thực ra hồi đấy mình chỉ đơn thuần là học về công nghệ và thần tượng những người đứng đầu trong làng công nghệ như Bill Gate. Thêm vào đó ở đại học mình cũng làm nhiều dự án, phát triển nhiều ý tưởng cùng bạn bè. Chính những điều đó đã thúc đẩy bản thân mình tạo ra dự án riêng, cùng bạn bè bước những bước chân đầu tiên vào khởi nghiệp.” Có lẽ chính điểm khác biệt ấy đã giúp Khôi Nguyễn trở thành CEO khi mới 27 tuổi.
Bước chân ra đời, nhiều bạn mải mê trong những cuộc vui, đắm chìm trong những thú vui tiêu khiển vì được “thoát” khỏi sự quản lý của ba mẹ, với lý do “xưa như cổ tích”:“Mình còn trẻ, chưa cần tiền, khi nào chuẩn bị lập gia đình thì hẵng phấn đấu…”. Để rồi đến khi chính thức bước vào cuộc “chạy đua về vi trí”, họ mới sợ hãi, hoang mang, không biết mình đứng ở đâu trong vô vàn những người đàn ông tài giỏi ngoài xã hội kia. Đến lúc gặp lại bạn bè, thậm chí cả người yêu cũ nữa...
Thì cũng chính trong khoảng thời gian đó, có những cô gái, chàng trai cặm cụi làm việc, tìm được cho mình nguồn cảm hứng riêng, nuôi dưỡng nguồn cảm hứng đó bằng sự lao động không ngừng nghỉ. Cho đến ngày cây “cảm hứng” ra bông, trái ngọt và thành công lần lượt kéo đến chỗ họ.
“Lời khuyên mà mình luôn dành cho các bạn trẻ đó là hãy tìm ra cho mình một mục tiêu, một “ngọn đèn” riêng nhanh nhất có thể, có như vậy các bạn mới thành công được. Điều đó giúp mình bản lĩnh hơn khi đối diện với thất bại, tất nhiên là cũng có những lúc “oải”, nhưng khi bình tâm lại, mình sẽ lại muốn tiếp tục.”
Người không có mục tiêu cũng như một xạ thủ mù vậy, dù tài năng của anh ta có cao siêu đến đâu. Nhưng nếu không nhìn thấy gì thì sẽ không thể nhắm bắn trúng đích được. Cuộc đời của con người có hai ngày quan trọng nhất: Thứ nhất là ngày bạn sinh ra, thứ hai là ngày bạn tìm thấy mục tiêu của cuộc đời mình.
Thất bại nặng nề, phải chia tay với một nửa đội hình từng “vào sinh ra tử”
Tìm thấy mục tiêu nghề nghiệp đối với nhiều người trẻ tuổi đang bế tắc mà nói không phải là chuyện dễ, học cách đối diện với thất bại lại càng là một vấn đề nhức nhối.
Hệ sinh thái này 99% “chết” 1% “sống” thôi!, anh cũng từng fail (thất bại) nhiều rồi mới tới wefit này” - Một câu nói có vẻ nhẹ nhàng nhưng lại chứa nhiều cay đắng. Thất bại là điều không ai mong muốn, thế nhưng, CEO của Wefit còn phải đối mặt với… rất nhiều thất bại.
“Sau khi ra trường mình gặp khá nhiều thất bại, gần đây nhất là dự án memo – một ứng dụng giáo dục trực tuyến. Sau một thời gian ra mắt thì đã được 300.000 người sử dụng, nhưng dự án ấy vẫn thất bại vì không thể sinh ra lợi nhuận. Cái giá phải trả là mình phải chia tay với một nửa số thành viên trong đội để có thể tiếp tục. "
”Thất bại luôn đi kèm với mất mát. Dồn hết vốn liếng lao động nhiều năm trời vào cho dự án khởi nghiệp - thất bại - mất hết. Bao công sức cùng anh em để tạo ra một sản phẩm - thất bại - nói lời chia tay với một nửa đội hình từng “vào sinh ra tử” cùng mình. “Khởi nghiệp đồng nghĩa với việc từ bỏ bản thân, bạn không thể tiếp tục chạy theo những thú vui, sở thích của mình nữa. Còn chuyện gia đình nữa, riêng mình thì cả tháng mới được gặp bố mẹ khoảng 2 lần”.
Tôi từng nghe ai đó nói: “Có một kênh rạch giữa những gì bạn muốn và những gì thế giới đáp trả lại cho bạn. Bạn rơi vào đó rồi, gọi là thất bại, bạn trèo lên được, gọi là trưởng thành.". Và có lẽ, Khôi Nguyễn đã trèo qua được con kênh đó. Đối với anh, mỗi thất bại lại là một nấc thang để tiến tới thành công. Bởi, đằng sau mỗi một lần “thua trận” là vô vàn bài học mà chúng ta có thể rút ra. Bài học từ nhân sự, bài học từ cách kinh doanh. “Câu chuyện ở đây là mình phải rèn luyện được cho bản thân sự bản lĩnh để đương đầu với thử thách và tiếp tục sau các thất bại.”
25 là độ tuổi đánh dấu sự trưởng thành thực sự của một đời người. Tuổi 25 không còn quá chông chênh trong việc tìm việc, nhưng lại vẫn mơ hồ cho hướng đi rõ ràng cho sự nghiệp. Có thể bạn chưa cần một công việc trong mơ, nhưng cũng đừng hời hợt trong vấn để lập nghiệp, đừng chọn hướng đi sai để rồi phải hối hận.
“Nhiều bạn trẻ ngày nay thường quá ngây thơ, chọn nhầm motip, nhầm hướng đi để rồi dẫn đến thất bại. Và sau đó, các bạn sẽ rơi vào tình trạng “vỡ mộng”. Theo Khôi Nguyễn, có vô vàn “tư thế chết” mà các bạn trẻ có thể gặp phải:
- Nghĩ rằng khởi nghiệp là để làm giàu: Đó là lý do khiến nhiều bạn thất bại. Theo Khôi, mỗi sản phẩm mình tạo ra phải có giá trị cộng đồng, có sự tăng trưởng thì mới có thể thành công.
- Quá tự tin vào bản thân: Khiến các bạn không tiếp thu ý kiến từ người khác. Hãy tự tin nhưng đừng tự cao!
- Quá nhu nhược, đắn đo: Điều đó khiến bạn vuột mất cơ hội. Nên nhớ, một đời người chỉ có vài cơ hội, không nắm được thì cả đời chỉ có thất bại với hối tiếc.
- Coi đam mê là tất cả: Đam mê chỉ là yếu tố hỗ trợ ở phần thượng tầng, còn khi đã bắt tay vào làm, nếu chỉ có mỗi đam mê thì bạn không thể tồn tại được trong một môi trường khắc nghiệt như khởi nghiệp, nơi mà 99% “chết” 1% “sống”.
- Khởi nghiệp khi còn mối lo “Cơm áo gạo tiền”: Nếu vẫn còn gánh nặng gia đình, còn mối lo cơm áo hàng ngày thì đừng vội khởi nghiệp. Vì đây không chỉ là một cuộc thi mà còn là trò may rủi và đôi khi, bạn phải thực hiện vài dự án, dốc hết số tiền 10 năm tích góp mới có cơ may thành công. Đừng liều lĩnh!
Tâm trí của bạn là nơi mọi thứ bắt đầu. Nếu muốn cuộc đời bớt nhàm chán xin hãy thay đổi suy nghĩ của mình ngay. Như CEO của Wefit chia sẻ, “Chúng ta được tạo ra để chinh phục thử thách, giải quyết rắc rối và chinh phục mục tiêu. Chúng ta sẽ không tìm được hạnh phúc trong đời nếú không có mục tiêu để mà vươn tới.”
Hãy lập mục tiêu ngay hôm nay, lắng nghe con tim và tìm kiếm điểm mạnh của bản thân, kết hợp lại để tìm thấy mục tiêu của mình, sẵn sàng bắt đầu từ hôm nay.